Giải thưởng 3 triệu đô VinFuture thuộc về các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo

06/12/2024 23:03 GMT+7

Những 'người khổng lồ' lĩnh vực học sâu, trong đó có Chủ tịch kiêm CEO NVIDIA nhận giải thưởng triệu đô VinFuture của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.

Những "người khổng lồ" góp phần định hình tương lai

Đêm 6.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trang trọng trao giải thưởng chính Giải thưởng VinFuture 2024 trị giá 3 triệu USD cho những nhà khoa học có công trình đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.

Chủ nhân của các công trình này gồm: GS Yoshua Bengio và GS Geoffrey E. Hinton (Canada), ông Jen-Hsun Huang (Chủ tịch kiêm CEO NVIDIA, Mỹ), GS Yann LeCun và GS Fei-Fei Li (Mỹ). Ba trong số 5 nhà khoa học đã trực tiếp có mặt tại Nhà hát Hồ Gươm nhận giải thưởng.

Giải thưởng 3 triệu đô VinFuture thuộc về các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và những chủ nhân của giải thưởng chính Giải thưởng VinFuture 2024 trị giá 3 triệu USD

ẢNH: THANH LÂM

Theo Hội đồng giải thưởng VinFuture, những tiến bộ trong học sâu đã mở ra một kỷ nguyên đột phá cho những đổi mới sáng tạo về công nghệ, nhờ đó máy móc có thể "học" từ lượng dữ liệu khổng lồ và đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc trong các tác vụ như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đưa ra quyết định.

Từ năm 2012, học sâu đã trở thành công cụ chủ đạo thúc đẩy các bước tiến lớn trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, tự động hóa, dịch vụ tài chính, từ đó định hình sự đổi mới, phát triển trong tương lai.

Thành tựu này có được là nhờ những đóng góp mang tính cách mạng cho mạng nơ-ron và các thuật toán học sâu của GS Geoff E. Hinton, GS Yann LeCun và GS Yoshua Bengio. Bên cạnh đó, ông Jen-Hsun Huang đã tiên phong trong việc phát triển các nền tảng điện toán tăng tốc, thúc đẩy sự bùng nổ của kỷ nguyên AI (trí tuệ nhân tạo) hiện đại. Việc GS Fei-Fei Li tạo ra tập dữ liệu ImageNet cũng đã thúc đẩy sự tiến bộ trong hệ thống nhận diện hình ảnh, giúp huấn luyện các mô hình học sâu ở quy mô lớn.

Cả 5 nhà khoa học trên đều là những tên tuổi lớn, những "người khổng lồ" lĩnh vực học sâu, một lĩnh vực nhánh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt trong số này có ông Jen-Hsun Huang là nhân vật quen thuộc với công chúng Việt Nam, là người châu Á giàu nhất ở Mỹ, và hiện đang có nhiều kế hoạch đầu tư ở Việt Nam.

Sự hiện diện của AI có thể chứng kiến một kỷ nguyên đổi mới

Phát biểu tại lễ trao giải, GS Yoshua Bengio chia sẻ: "Hành trình của tôi với AI bắt đầu từ 20 năm trước, khi tôi thấy cần quan tâm về mạng lưới thần kinh nhân tạo và mong muốn hiểu được các nguyên tắc phía sau trí tuệ. Tại thời điểm đó tôi không hình dung những tiến triển mà tôi và đồng nghiệp rồi đây đạt được sẽ lớn thế nào. Tôi cũng không tưởng tượng được những rủi ro, thách thức mà ứng dụng công nghệ này có thể mang lại. AI có thể cung cấp những lợi ích to lớn chỉ khi chúng ta dẫn dắt được AI".

Ông Jen-Hsun Huang cho biết, ông rất vui trở lại Việt Nam trong bối cảnh đáng tự hào là thành tựu khoa học công nghệ của mình và các đồng nghiệp được vinh danh.

"Đây là sự công nhận dành cho chúng tôi của Quỹ VinFuture về khả năng đột phá của AI trong mọi ngành nghề. Tôi vinh dự đại diện cho các đồng nghiệp tại NVIDIA, những người đã cống hiến cuộc đời sự nghiệp cho khoa học máy tính và các ngành nghề liên quan, được nhận giải thưởng này. Cảm ơn Quỹ VinFuture đã dành sự ghi nhận cho chúng tôi", ông Jen-Hsun Huang nói.

GS Yann LeCun cũng bày tỏ: "Lý do chúng ta quan tâm tới AI, bởi vì máy móc có thể học hỏi, dù chưa được như con người nhưng chúng ta đang tiến tới mục tiêu này. Tôi nghĩ AI còn có thể phát triển hơn nữa, thông minh hơn. AI giúp chúng ta mở rộng trí tuệ con người, thực chất, AI đã làm được điều này, từ các dạng tiền nhiệm. Tôi tin AI sắp tới sẽ thành điều thường nhật, ví dụ như cặp kính của tôi có thể chụp ảnh các bạn ngay bây giờ.

Trợ lý AI có thể thông minh hơn. Khi chúng ta tiếp tục đào tạo AI về ngôn ngữ, văn hóa và các giá trị, sẽ tạo nên một kho tàng dữ liệu nhân loại cần được chia sẻ và nhân rộng kiến thức ra thế giới, thúc đẩy tiến triển khoa học, y học, công nghệ. Ví dụ, những vấn đề lớn nhất hiện là ung thư, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác. Chúng ta cần thấy rằng sự hiện diện của AI có thể chứng kiến một kỷ nguyên đổi mới".

Chia sẻ qua video, GS Geoff E.Hinton nói: "Tôi đã có vinh dự hợp tác với GS Yoshua Bengio và GS Yann LeCun trong nhiều năm. Cả ba chúng tôi đã dành cả cuộc đời để phát triển công nghệ mạng nơ-ron. Và tôi rất vui mừng khi thấy Giải thưởng VinFuture cũng ghi nhận đóng góp của ông Jen-Hsun Huang trong việc phát triển phần mềm máy tính cần thiết cho AI, cũng như của GS Fei-Fei Li trong việc cung cấp dữ liệu lớn - yếu tố đã chứng minh hiệu quả của công nghệ này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.