Tối 23.3 tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức lễ trao giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022 cho cán bộ Đoàn, đoàn viên xuất sắc toàn quốc, hướng tới chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2022).
Tới dự có Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng; Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương; Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương; Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang, cùng đại diện các bộ, ngành T.Ư.
Cá nhân được đề cử xét chọn giải thưởng có nhiều sáng kiến, ý tưởng được ứng dụng hiệu quả, thiết thực đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; thực hiện được nhiều công trình, phần việc thanh niên… Năm nay có 174 hồ sơ đề cử của 67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc. Hội đồng xét và lựa chọn được 94 cán bộ Đoàn xuất sắc nhất để vinh danh và trao giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022. Thanh Niên xin giới thiệu 2 nhân vật trong 94 cán bộ Đoàn xuất sắc nói trên.
Ông Đỗ Văn Chiến và anh Nguyễn Anh Tuấn trao giải thưởng Lý Tự Trọng cho cán bộ Đoàn xuất sắc toàn quốc |
Phan Hậu |
Thầy giáo áo xanh với những mô hình vì cộng đồng
Anh Nguyễn Quốc Việt (33 tuổi), Bí thư Đoàn Trường ĐH Công Đoàn, không chỉ là một giảng viên có nhiều thành tích xuất sắc, còn là một cán bộ Đoàn đầy năng động với rất nhiều sáng kiến vì cộng đồng.
Anh Việt có rất nhiều thành tích trong khoa học. Từ năm 2012 - 2021, anh là tác giả chính của 23 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế, trong đó có nhiều bài báo thể hiện được những sáng kiến trong lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế tài chính được Hội đồng thẩm định đánh giá cao.
Là Bí thư Đoàn trường, anh luôn có những sáng kiến phục vụ cộng đồng được xã hội đánh giá cao. Năm 2021, anh trực tiếp lên ý tưởng, triển khai và huy động kinh phí tổ chức nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa như: chuỗi hoạt động hỗ trợ sinh viên nghèo bị mắc kẹt tại Hà Nội do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; chuỗi hoạt động hỗ trợ người lao động di tản từ TP.HCM về các tỉnh, thành phía Bắc.
Anh Nguyễn Quốc Việt hỗ trợ sinh viên ở các khu phong tỏa trong đợt dịch |
NVCC |
Đặc biệt, trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2021, anh đã trực tiếp xây dựng và chỉ đạo thành công mô hình “Nhà phao cứu sinh”. Hiện công trình cũng đang được đưa vào hồ sơ đề xuất là Công trình thanh niên toàn quốc.
Chia sẻ về mô hình này, anh Việt cho biết: “Công trình gồm 20 căn nhà hỗ trợ các hộ dân nghèo thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại xã Kim Bảng và xã Tân Hóa, Quảng Bình. Chúng tôi đã tiến hành trao tặng hằng năm cho bà con tại vùng rốn lũ tỉnh Quảng Bình. Mỗi căn nhà phao cứu sinh được xây dựng với kết cấu: khung nhà làm bằng thép hình và tôn, đặt trên 16 thùng phuy, có sức nâng 2,5 tấn, đủ để giữ an toàn cho 10 người dân khi lũ về. Một căn nhà phao có tuổi thọ 15 năm và giá trị 34 triệu đồng”.
Trong những sáng kiến, anh Việt có rất nhiều mô hình vì sinh viên như: “A+, Người bạn đồng hành tin cậy”. Mô hình này nhằm xây dựng thư viện điện tử trên nền tảng Facebook để phục vụ việc ôn tập và thi cử cho sinh viên đồng thời là mô hình học nhóm trên diện rộng. Những sinh viên có thành tích học tập tốt sẽ kèm và hướng dẫn sinh viên khác…
Với những cống hiến xuất sắc của mình, anh đã được tặng nhiều bằng khen giấy khen các cấp, trong đó có bằng khen của T.Ư Đoàn đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2016 - 2020; đạt danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp thành phố năm 2021; bằng khen của Thành đoàn Hà Nội về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2016 - 2020… Anh là một trong 94 cán bộ Đoàn được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022.
Anh Phạm Vạn Phát chia sẻ kinh nghiệm làm máy ấp trứng cho những người cùng niềm đam mê ở địa phương |
Thanh Duy |
Truyền cảm hứng cho người trẻ khởi nghiệp
Có nhiều đóng góp trong phong trào thanh niên, anh Phạm Vạn Phát (27 tuổi), Bí thư chi Đoàn ấp Thạnh Thuận, xã Đông Thạnh, H.Châu Thành, Hậu Giang, vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng 2022.
Anh Phát kể tình yêu Đoàn bắt đầu từ lần tham gia trồng cây xanh tạo cảnh quan trên một tuyến đường ở địa phương. Khi nhìn lại thành quả lao động của tập thể, những con đường cũ được thay “áo” mới khang trang, người dân phấn khởi, anh Phát xúc động vì hiểu được giá trị thiết thực của những công trình tình nguyện mang lại.
Với nhiều tâm huyết, khi làm bí thư đoàn ấp, hằng năm, anh Phát thường xuyên khảo sát thực trạng, lắng nghe ý kiến người dân và tập hợp thanh niên thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa, như: làm đường, phát hoang, xây cầu, cất nhà tình thương, trồng bần, đắp đê, làm kè chống sạt lở…
Nhưng để thỏa đam mê với “màu áo xanh”, anh Phát phải tự nỗ lực rất nhiều vì hoàn cảnh khó khăn. Gia đình anh thuộc diện cận nghèo, mẹ bị nhồi máu não, cha cần máy trợ tim, em gái đang vào đại học. Là trụ cột của gia đình, anh Phát vừa gánh vác việc chăm sóc người thân vừa lo phần kinh tế nhưng vẫn tranh thủ tham gia phong trào tình nguyện. Bên cạnh công việc hằng ngày là làm thợ điện, anh Phát còn chịu khó học hỏi các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp để tìm cách tự vươn lên.
“Ở quê nhiều người chăn nuôi, tôi quyết định khởi nghiệp với sản phẩm đầu tay là máy ấp trứng. Trước đây, tôi tốt nghiệp ngành kỹ thuật cơ điện tử Trường ĐH Cần Thơ nên việc nghiên cứu, thiết kế không quá khó khăn. Đến nay, tôi đã bán được gần 200 cái, thị trường tương đối ổn định”, anh Phát nói.
Có chí cầu tiến, anh Phát mạnh dạn thử nghiệm với mô hình trồng dâu tằm xen chanh. Trên 6 công chanh, anh trồng xen hơn 60 gốc dâu tằm. “Ngoài bán chanh, mỗi ngày tôi còn thu được ít nhất 150.000 đồng từ việc bán dâu tằm. Đặc điểm của dâu tằm là không được xử lý thuốc hóa học, phải bắt sâu mỗi ngày. Trồng dâu tằm xen chanh, nhẹ công chăm sóc lại rất ít sâu bệnh”, anh Phát thông tin.
Gần đây nhất, anh Phát tiếp tục cải tạo 200 m2 vườn nhà làm 5 bể bạt nuôi ốc bươu đen. Do chưa có kinh nghiệm, những bể nuôi đầu tiên cho hiệu quả không cao, nhưng anh không nản mà dốc tâm theo đuổi đến lúc thành công mới thôi. “Mỗi lần thất bại tôi lại rút ra được kinh nghiệm quý giá, chẳng hạn nuôi ốc phải đặc biệt quan tâm đến khâu xử lý nguồn nước, thức ăn đủ hoặc thiếu chứ không được dư... Tôi nghĩ, yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp là cần sự kiên trì và quyết tâm, bởi không có con đường nào đến thành công là dễ dàng cả”, anh Phát chia sẻ.
Điều ấp ủ lớn của anh Phát là mong các đoàn viên, thanh niên ở địa phương sẽ lập nghiệp ổn định ngay trên mảnh đất quê hương, giúp ích được cho gia đình và xã hội sau này. Với suy nghĩ đó, anh đã liên kết với xã đoàn thành lập CLB trồng dâu tằm xen chanh, nuôi ốc bươu đen và làm máy ấp trứng. Tại đây, anh Phát tổ chức những buổi họp mặt, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Ngoài ra, anh còn dạy nghề sửa điện miễn phí cho những người có đam mê. Đến nay đã có 5 học viên, 1 người đã ra nghề.
Bình luận (0)