Giải thưởng nhiếp ảnh bỏ quên thời kỳ Đổi mới?

05/07/2021 05:49 GMT+7

Những tác phẩm nhiếp ảnh về thời kỳ Đổi mới, xây dựng đất nước rất thiếu vắng trong danh sách xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh .

Ảnh chiến tranh chiếm đại đa số

Có thể cảm nhận rõ hơi thở chiến tranh, hơi thở của những cuộc kháng chiến trong danh sách hồ sơ xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm nay. Điển hình như các bộ ảnh: Hai người lính của tác giả Chu Chí Thành; Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang của tác giả Võ An Khánh; Hậu Giang tình quốc tế trên đất bạn Campuchia của tác giả Văn Ngọc Nhuần; Phụ nữ Cần Thơ bám đất giữ làng, chiến đấu chống giặc của tác giả Lương Huệ Quân… Đa số các tác phẩm đều phản ánh cuộc đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất đất nước.
“Đúng là các tác phẩm này phần lớn gắn với các cuộc chiến tranh, kháng chiến”, một thành viên hội đồng xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh chia sẻ. Bà Nguyễn Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, cũng đồng tình với nhận định trên. Theo bà, thời kỳ Đổi mới và xây dựng đất nước cũng có rất nhiều thành tựu. Các nghệ sĩ đã phản ánh những câu chuyện đậm dấu ấn trong suốt chiều dài giai đoạn quan trọng đó. Vì vậy, hội đồng xét danh hiệu sẽ rất chào đón nếu nhận được hồ sơ là các tác phẩm tốt về thời kỳ này. “Chỉ có điều không hiểu sao hồ sơ như vậy không nhiều”, bà Thu Đông chia sẻ.
Ngược lại, sắc màu thời kỳ Đổi mới đều ít nhiều hiện diện trong đề cử giải thưởng thuộc các lĩnh vực khác. Chẳng hạn như các đề cử của sân khấu năm nay gọi tên nhiều tác giả - tác phẩm thời kỳ Đổi mới. Có thể nhắc tới tác giả Nguyễn Xuân Trình với tác phẩm Đợi đến mùa xuân được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, câu chuyện về đổi mới tư duy giáo dục, tư duy quản lý trì trệ được đặt ra rất gắt gao. Đề cử giải thưởng Nhà nước của sân khấu có các vở diễn của Lê Thu Hạnh với những vấn đề gia đình hiện đại. Các tập phê bình sân khấu của PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đều bám sát vào các vở diễn và sân khấu hiện đại với nhiều vấn đề phát triển cũng như con người.
Cùng lúc, ở đề cử giải thưởng Nhà nước lĩnh vực âm nhạc, bài hát Tổ quốc gọi tên mình của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn là một sáng tác mới đây. Bên cạnh đó là Tia nắng hạt mưa của nhạc sĩ Nguyễn Khánh Vinh, Lời của gió của tác giả Duy Thái, Đi tìm lời ru mặt trời của Y Phôn KSor, Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai của Lê Ngọc Mây. Các tác phẩm cho thấy hơi thở văn hóa văn nghệ thời kỳ xây dựng đất nước và Đổi mới lẫn sau Đổi mới.
Lĩnh vực văn học cũng ghi nhận những đề cử giải thưởng Nhà nước của thời kỳ Đổi mới xây dựng đất nước. Đó là tập thơ Cửa mở của Trần Việt Phương, truyện ngắn Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ, tiểu thuyết Ma làng của Trịnh Thanh Phong... Những tác phẩm cho thấy khao khát trước Đổi mới, không khí của đời sống nông thôn, sự khốc liệt của đời sống người Việt ở Đông Âu...

Tác phẩm Giờ ngoại khóa của các em khiếm thị trong sách ảnh Họ đã sống như thế

Ảnh: Nguyễn Á

Cần cái nhìn mới về nhiếp ảnh

Bà Thu Đông cho biết trong đợt xét duyệt hồ sơ của hội đồng chuyên môn, có tác phẩm về thời kỳ xây dựng đất nước đã bị “nâng lên đặt xuống”. Tuy nhiên, một thành viên trong hội đồng đã đứng lên bảo vệ tác phẩm này. Lý do được đưa ra là tác phẩm đó gây xúc động khi gợi nhớ đến những làng quê đã được điện thắp sáng, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. “Tác phẩm đó của một tác giả trẻ tuổi. Và nó cũng nói về việc xây dựng đất nước. Có thể do quan niệm còn e ngại gì đó nên ít hồ sơ thuộc dạng này được đưa lên”, bà Đông cho biết.

Nếu cứ nhặt tìm chỉ trong các tác phẩm về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì sẽ đến lúc hết tác phẩm hay. Nếu tìm nữa sẽ chỉ ra tác phẩm đã bị loại từ những đợt trước

Nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến

Ông Nguyễn Trọng Chính, Phó tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam, cũng cho rằng có tâm lý giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng quá ý nghĩa, quá trang trọng. Chính vì thế, các đơn vị làm hồ sơ có xu hướng nghĩ rằng các phóng viên chiến trường xứng đáng đoạt giải hơn cả.
“Đúng là các tác phẩm của phóng viên chiến trường có ý nghĩa lớn. Họ sáng tác trong hoàn cảnh sống chết trong gang tấc”, ông Chính nói. Tuy nhiên, theo ông, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, dự án nhiếp ảnh sau này cũng có ý nghĩa chính trị xã hội. “Chẳng hạn, Nguyễn Á có nhiều dự án nhiếp ảnh và anh ấy đeo đuổi điều đó, tạo nên những dự án với nhiều tác phẩm có chất lượng”, ông Chính chia sẻ. Tại đợt xét giải thưởng này, cuốn sách ảnh Họ đã sống như thế của Nguyễn Á được đề nghị xét giải thưởng Nhà nước. Đây là tác phẩm hiếm hoi không thuộc nhóm chủ đề chiến tranh được đề nghị xét giải. Họ đã sống như thế kể câu chuyện cuộc đời của những người khuyết tật, ở đó, dù khó khăn họ vẫn sống như những đóa hoa.
“Tên giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước lại khiến mọi người nghĩ rằng tác phẩm phải mang chất anh hùng ca, chất lịch sử. Tuy nhiên, giai đoạn lịch sử của chiến tranh đã qua rồi. Nếu cứ nhặt tìm chỉ trong các tác phẩm về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì sẽ đến lúc hết tác phẩm hay. Nếu tìm nữa sẽ chỉ ra tác phẩm đã bị loại từ những đợt trước”, nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến nói.
Cũng theo ông Vũ Huyến, nếu để tìm kiếm và động viên tác phẩm, tài năng thì nên tìm thêm tác giả - tác phẩm ở những thời kỳ khác như thời kỳ hòa bình, thời kỳ Đổi mới và xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, quan hệ đối ngoại, hợp tác giao lưu. “Như thế mới thành hướng để người ta sáng tác liên tục”, ông Huyến nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.