Giải tỏa 'đại bản doanh' thiếc tặc

11/11/2017 09:00 GMT+7

Ngày 10.11, PV Thanh Niên theo chân đoàn kiểm tra liên ngành vào 'đại bản doanh' thiếc tặc ở tiểu khu 142, khu vực Núi Cao (xã Đạ Sar, H.Lạc Dương, Lâm Đồng).

Trước mắt chúng tôi là một thung lũng rộng lớn với ngổn ngang các lán trại bị đốt, máy móc nằm la liệt. Không thấy bóng dáng của “thiếc tặc” nào, nhưng dưới mé suối gần khu lán trại một số người dân đang hì hục mót thiếc.
Một thành viên trong đoàn cho hay: "Cảnh như thế này là vì ngày 9.11, lực lượng công an tỉnh và công an huyện đã truy quét và giải tỏa bước 1, hôm nay chúng tôi làm tiếp". Đoàn giải tỏa là lực lượng liên ngành: kiểm lâm, công an, quân đội, các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, Phòng TN-MT, chủ rừng và xã Đạ Sar với khoảng 80 người, tiếp tục tháo dỡ và đốt hết các lán trại.
Phát hiện một cửa hầm “địa đạo” bị lấp, đoàn công tác nhận định nhiều khả năng “thiếc tặc” giấu các máy móc, thiết bị ở phía trong rồi lấp miệng hầm và “rút quân”. Một máy múc được điều đến hiện trường, đào sập cửa hầm này thì một cửa hầm khác mở ra và nhìn vào tối om, sâu hun hút. Lực lượng chức năng tiến vào “địa đạo” (cao khoảng 1,8 m, rộng hơn 1 m, được chằng chống bằng thân cây rừng) kiểm tra.
Đúng như dự đoán, đường hầm dài hàng trăm mét, nằm xuyên dưới núi, phía trong là cả một kho lương thực và một xưởng cơ khí thu nhỏ của “thiếc tặc”. Đoàn công tác đưa ra khỏi hầm hàng chục bao ni lông loại lớn đựng chăn, mùng, áo quần, chiếu, gạo, xoong, nồi, chén, bát, thậm chí có cả rượu. Tiếp đến là các máy móc như 4 máy nổ, 1 máy phát điện, máy khoan bê tông, mô tơ, quạt gió, bình hơi, máy cắt, máy hàn, bóng đèn và dây điện, cùng hàng trăm lít xăng, dầu.
Tất cả số hàng này đều được lực lượng chức năng tiêu hủy ngay tại chỗ. UBND H.Lạc Dương đã giao Ban Chỉ huy quân sự huyện khảo sát và xây dựng phương án đánh sập hầm trong tháng 11.
Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm H.Lạc Dương, khu vực trên là điểm nóng khai thác thiếc trái phép tồn tại nhiều năm qua, lực lượng chức năng của huyện liên tục truy quét, giải tỏa, đánh sập nhiều "địa đạo", nhưng do vùng rừng núi xa xôi, đường đi hiểm trở nên tình trạng này cứ tái diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.