Năm 2022, cuộc thi sôi nổi “đãi cát tìm vàng” trong sự chờ đợi của khán giả và giới cải lương.
Thí sinh “có máu mặt”
Cần nhấn mạnh rằng đây là một cuộc thi dành cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, vì vậy thí sinh toàn là những người đã từng “chinh chiến” tại các đoàn cải lương tỉnh thành, hoặc nếu là thí sinh tự do thì cũng diễn show không ít. Trong đó, có cả những “ngôi sao” hot nhất hiện nay như Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, hoặc đang nổi như Phương Cẩm Ngọc, Cao Thúy Vy, Hà Như, hay từng đoạt Chuông vàng vọng cổ như Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Văn Mẹo, Nhật Nguyên, đoạt giải nhất Bông lúa vàng như Hàn Ni, thậm chí đã là NSƯT như Thu Vân, Lê Trung Thảo, đang là giảng viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM như Huỳnh Hải Long… Tóm lại, thí sinh hầu hết đều có “máu mặt”, nên càng thu hút khán giả theo dõi cuộc thi.
Kim Phụng trong vai Đàm Thái hậu |
Nhưng đó cũng là thắc mắc của nhiều người, rằng “đã có tiếng tăm thì đi thi làm gì?”. Lê Trung Thảo tâm sự: “Đây là cuộc thi danh giá nhất của cải lương, tôi luôn mơ ước được chạm đến, vì vậy cứ tham gia, không bao giờ bỏ cuộc”. Có lẽ đó cũng là tâm sự của hầu hết nghệ sĩ khi bước vào cuộc tranh tài, và họ chấp nhận thắng thua có thể ảnh hưởng đôi chút đến vị thế hiện có. Huỳnh Hải Long nói: “Có sao đâu. Học tài thi phận mà, có khi lúc thi thí sinh lại bị sự cố, không đạt thành tích như mong muốn. Nhưng quan trọng là đã dám thử thách, và có thêm cơ hội học nghề, không có gì là vô ích cả”.
Bật sáng và đầy hy vọng
Nhiều thí sinh đã bật sáng một cách thú vị, trở thành niềm hy vọng, chỗ dựa tin cậy cho tương lai cải lương. Với vai Cố Sầu trong trích đoạn Chuyện tình Khâu Vai, Võ Minh Lâm, được cho là kép đẹp hot nhất hiện nay, đã làm sáng rực sân khấu. Với nội lực diễn xuất, cách ca, cách thoại nhấn nhá xuất sắc, anh thâm nhập nhân vật và diễn từ sâu thẳm nội tâm, đó là điều khó nhất của người nghệ sĩ. Cố Sầu đủ các cung bậc yêu, hận, buồn, thương, ác, hiểm…, Võ Minh Lâm tha hồ có đất tung hoành.
Nguyễn Minh Trường thì ngược lại, từ kép đẹp lại chọn thi vai kép lão Trần Thặng trong trích đoạn Kẻ sĩ Thăng Long. Cái giỏi của Minh Trường là biết hóa trang giọng ca, giọng nói thành một ông lão, không khoe hơi khoe giọng của mình, nhưng trong giọng ca lão ấy vẫn toát lên vẻ quyến rũ bởi làn hơi rất đẹp. Minh Trường cũng diễn từ sâu thẳm nội tâm, khiến khán giả rưng rưng.
Võ Minh Lâm vai Cố Sầu, Lê Hồng Thắm vai nàng Út |
H.K |
Nguyễn Văn Mẹo lại bật sáng với vai kép độc - đại úy Sang trong trích đoạn Bông riềng trắng, diễn bằng những kỹ thuật rất giỏi, ca lẫn thoại nhấn nhá gây ấn tượng mạnh mẽ. Cao Thúy Vy trong vai đào mụ - Trường Lạc Thái hoàng thái hậu (trích đoạn Bi kịch) với thần thái đúng một bà hoàng, uy nghiêm, chuẩn mực, sang trọng trong từng điệu bộ, hình thể. Thu Vân vai Huệ (trích đoạn Duyên kiếp) cũng ca diễn chuẩn mực, chiếm được cảm tình khán giả.
Lê Trung Thảo là một trường hợp cá biệt, đa năng. Anh vừa viết kịch bản cho mình, vừa đạo diễn lẫn diễn xuất, chuẩn mực từ câu ca, câu thoại đến hình thể, vũ đạo, tạo bố cục sân khấu nhiều cảnh rất đẹp, trả lời câu hỏi ứng xử trôi chảy. Anh cũng đang tham gia giảng dạy cho thế hệ trẻ.
Nghệ sĩ tỉnh với những câu chuyện cảm động
Trong một cuộc chơi mà đa số nghệ sĩ ở TP.HCM đã khẳng định tên tuổi, thì nghệ sĩ ở tỉnh có vẻ như “lép vế” bởi họ ít được công chúng biết tới, ít có điều kiện chạy show, ít được rèn nghề. Thế nhưng họ vẫn theo đuổi cải lương bằng trái tim đam mê và làm nghề nghiêm túc. Như nghệ sĩ Kim Phụng gia đình 3 đời theo cải lương, bản thân chị cũng hơn 50 tuổi, lần đầu tiên được đứng trên một sân khấu to đẹp, danh giá, chị đã khóc vì cảm động. Chị đã hoàn thành rất tốt vai Đàm Thái hậu (trích đoạn Quả báo trả vay), với một thần thái sang trọng, chuẩn mực, giọng ca do tập luyện quá độ nên có đôi chỗ bị khàn nhưng khán giả vẫn nhận ra sự trầm tĩnh, chững chạc.
Vòng chung kết cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang diễn ra trong 5 đêm từ 17 - 21.10 tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM). Đêm tổng kết trao giải vào tối 31.10 tại Nhà hát TP.HCM.
Huỳnh Tiểu Nhi vai cô Loan (trích đoạn Ảo vọng), một phụ nữ lấy chồng xa xứ, bị lừa gạt bắt mất con, bị cưỡng hiếp, phải bản lĩnh chống trả, đã thi thố những kỹ thuật biểu diễn rất khó mà không bị phô, giả. Nhật Thanh vai An Dương Vương (trích đoạn Sóng ngầm) có chất giọng trầm ấm. Được biết anh đã có những năm bị bệnh nặng, phải tập đi từng bước, tưởng chừng không thể theo nghề được nữa… Nghệ sĩ Đông Hồ thì yêu cải lương từ nhỏ, nhưng người cha vốn là dân hát bội đã yêu cầu anh đi theo hát bội. Đến nay, hơn 50 tuổi, anh nhất quyết một lần thực hiện ước mơ với cải lương, và không ngờ lọt vào chung kết.
Lăn tăn “hạt sạn”
Chuyện thắng thua là điều cần chấp nhận trong giải, vì huy chương cho mỗi hạng mục có hạn, thí sinh chỉ cần chênh nhau một chút đã đủ quyết định vị trí. Tuy nhiên, trong một giải chuyên nghiệp, thí sinh khi tham gia vẫn để lọt những “hạt sạn” diễn xuất thì quả thật đáng tiếc. Như Hàn Ni vốn chưa quen đóng đào võ, đặc biệt với tuồng cổ thì vũ đạo vô cùng khó, phải khổ luyện bao nhiêu năm mới làm được, vậy mà cô chọn vai Quận chúa Huyền Nga, rốt cuộc khi đi gối, đi xuyến lộ hết nhược điểm, và vũ đạo quá nhiều khiến cô không còn tập trung cho tâm lý nhân vật. Hồng Giang vai Trần Thị Dung thì không toát được cốt cách của một bà hoàng, trang phục lại quá thô sơ, nhìn như cung nữ. Võ Thị Mảnh vai Hiếu mà mái tóc dài phủ che lòa xòa gần hết gương mặt, khó biểu cảm. Bích Trâm vai bà Đào khi thấy con trai mình chết bất ngờ lại diễn quá tĩnh, ca quá nhiều, không gây xúc động cho khán giả trong một lớp diễn lẽ ra phải vô cùng đau đớn…
Điều đáng mừng nhất qua giải lần này là đã xuất hiện những tài năng thực sự, và dù cải lương đang khó khăn nhưng các nghệ sĩ vẫn bền bỉ với nghề, không có tâm lý bỏ cuộc. Tuy nhiên, với những tài năng “lên ngôi”, nếu muốn phát triển thành lực lượng kế thừa vững vàng, lâu dài cho cải lương có lẽ phải cần nhiều yếu tố hơn nữa, những hỗ trợ từ các ban ngành, xã hội cũng như tự thân mỗi nghệ sĩ.
Bình luận (0)