Phản hồi bài viết TP.HCM giãn cách chống dịch Covid-19: Karaoke xóm “đắp mộ cuộc tình, đắp suốt mấy ngày mộ chưa xong” đăng trên Thanh Niên, rất nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc về chuyện giải trí cá nhân nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng.
Bài viết phản ánh giai đoạn hạn chế đi lại, làm việc tại nhà khi TP.HCM giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, cũng là lúc nhiều gia đình bị tra tấn bởi tiếng karaoke hàng xóm dội bên tai. Từ sáng đến tối chỉ Đắp mộ cuộc tình, Lâu đài tình ái…, rồi ca cổ lặp đi lặp lại khiến nhiều người ức chế thốt lên: “Đắp có ngôi mộ mà suốt mấy ngày cũng chưa xong”.
Văn hóa cộng đồng quá kém
Bạn đọc (BĐ) Hai Nham cho biết: “Giãn cách xã hội phải làm việc ở nhà mà hàng xóm ngày nào cũng liveshow 4 - 5 tiếng muốn ngu người luôn, không làm được gì. Tuy họ không hát sau 10 giờ đêm nhưng nói thật, hát dở mà bật loa hết cỡ cho cả xóm nghe thì không khác gì tra tấn”. Tương tự, BĐ Huuthanh viết: “Chán nhất là hát dở mà lại hát to và hát suốt. Nghe cứ như bị đấm vào tai, phỉ báng âm nhạc vậy. Hãy để ý đến cộng đồng xung quanh mình. Cái gì cũng chỉ ở mức độ vừa phải thôi”.
Họ ngồi một chỗ đắp mộ còn đỡ, chứ chỗ tôi cũng bị giãn cách mà họ hát bài Qua cơn mê có đoạn cao trào như thế này: “Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường, sẽ vô thăm từng nhà”.
Hồng SơnBà con nên báo chính quyền khi bị các “ca sĩ” này tra tấn, vì phần lớn họ hát trong khi uống bia rượu “tưng tưng”. Kẻ say thì dễ tự ái, mất kiểm soát hành vi, dễ gây nguy hiểm.
Huê Nguyễn PhúThật may mắn khi nhà tôi ở P.Linh Đông, TP.Thủ Đức, có lãnh đạo phường rất nhiệt tình xử lý vụ karaoke này. Khi có nhà nào hát, mình gọi lên phường là ngay lập tức có cán bộ đến xử lý có tính răn đe chứ không có làm kiểu qua loa...
Ngoctung Le |
Nhiều BĐ cũng cho rằng có thể thông cảm chuyện giải trí, nhất là trong mùa dịch căng thẳng, nhưng không thể chấp nhận việc gây tác động tiêu cực đến cộng đồng. “Ở nhà buồn ca hát chút cũng có thể thông cảm. Nhưng hát bất chấp, loa đập hết công suất, hát nghêu ngao, chán rồi đưa cho trẻ con hét, ức chế kinh khủng. Họ không biết người khác phải chịu đựng như thế nào”, Ngoc Hieu Dao ý kiến.
Trong khi đó, BĐ Thanh Binh Pham thẳng thắn: “Tự do cá nhân nhưng không được ảnh hưởng đến người khác. Không phải cứ nhân danh tự do cá nhân rồi muốn làm gì cũng được”. Còn BĐ Đô Phong nhận định: “Văn hóa cộng đồng quá kém, nhiều người hay thích thể hiện, có người lại không có lòng tự trọng, không có liêm sỉ”.
Chính quyền cần mạnh tay xử lý
Theo nhiều BĐ, chính quyền TP.HCM đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo quận, huyện dẹp nạn karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn, nhưng tình hình lắng xuống rồi lại rộ lên, nên cần biện pháp mạnh tay hơn. “Tôi bị tra tấn 14 tiếng, từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm, thứ bảy, chủ nhật họ nhậu nhẹt, giành mic để hát. Gọi công an phường nhiều lần, rồi nhắc nhở nhưng vẫn tái diễn”, BĐ Tulip Xanh than thở. BĐ Trương Tâm mách nước: “Mọi thông tin phiền hà về tiếng ồn, bà con cứ vào Cổng 1022 phản ánh là ngày hôm sau phường mời hộ đó lên xử lý liền. Vừa kín đáo vừa không mất lòng hàng xóm”.
“TP.HCM cần kiểm tra các điểm hát karaoke trong nhà ngoài phố, phạt thật nặng, cưỡng chế tịch thu máy hát karaoke”, BĐ ở địa chỉ Ba***@gmail.com đề nghị. Trong khi đó, BĐ Tuấn Huỳnh đề xuất biện pháp: “Đây là vấn nạn xã hội, cần nghiêm cấm, làm mạnh tay. Đưa vào luật và có chế tài cụ thể, chứ bắt cóc bỏ đĩa không ăn thua”.
Bình luận (0)