Theo AFP, Kenzo Takada đã trút hơi thở cuối cùng tại Paris (Pháp) vì những biến chứng của Covid-19. Thông tin về sự ra đi của nhà sáng lập thương hiệu Kenzo được đưa ra chỉ ít giờ sau khi show diễn Xuân Hè 2021 của nhà mốt danh tiếng tại Paris Fashion Week khép lại. Sự ra đi của nhà thiết kế lừng danh khiến giới mộ điệu và công chúng yêu thời trang không khỏi sững sờ, tiếc nuối. Felipe Oliveira Baptista - Giám đốc sáng tạo của Kenzo, bày tỏ sự tiếc thương đối với cái chết của nhà sáng lập thương hiệu: “Tôi vô cùng đau buồn khi biết tin về sự ra đi của ông Kenzo Takada. Nguồn năng lượng tuyệt vời, lòng tốt, tài năng và nụ cười của ông sẽ được lan tỏa mạnh mẽ còn lòng nhân hậu của ông sẽ sống mãi”.
“Từ những năm 1970, Kenzo Takada đã truyền vào thời trang một giai điệu của sự nhẹ nhàng, thơ mộng, của sự tự do và ngọt ngào. Điều đó đã truyền cảm hứng vô tận cho nhiều nhà thiết kế đi sau. Kenzo - ngôi nhà mà anh ấy đã tạo nên, vẫn đang khám phá tầm nhìn của anh ấy. Tôi thực sự đau buồn trước sự ra đi của Kenzo Takada và muốn gửi lời chia buồn chân thành nhất đến gia đình và bạn bè của anh”, Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tập đoàn xa xỉ LVMH bày tỏ.
Người Nhật khuấy đảo kinh đô thời trang Paris
|
Kenzo Takada sinh năm 1939 tại Nhật Bản, theo học Trường cao đẳng Thời trang Bunka ở Tokyo rồi chuyển đến Paris (Pháp) vào năm 1965 để bắt đầu sự nghiệp thời trang rực rỡ của mình. Mặc dù từng theo học ngành thiết kế thời trang và làm việc cho một cửa hàng thời trang ở Tokyo, Takada chưa bao giờ mơ ước trở thành nhà thiết kế ở kinh đô thời trang thế giới. Ông thừa nhận bản thân cảm thấy mình không đủ giỏi để thành công ở Paris. Ban đầu, chàng trai trẻ chỉ có thể bán một số bản phác thảo của mình cho các hãng thời trang. Năm 1970, ông bắt đầu tạo ra lối đi riêng với cửa hàng tên Jungle Jap mang hơi thở của những khu rừng rậm châu Á.
Bộ sưu tập đầu tiên của tại Jungle Jap hoàn toàn được làm bằng chất liệu bình dân vì ông chỉ có vỏn vẹn 200 USD. Tuy nhiên, những thiết kế nổi bật của nhà tạo mẫu gốc Nhật không vì thế mà bị lu mờ, chúng ngày càng được ưa chuộng và khiến các tạp chí thời trang danh tiếng phải chú ý. Thập niên 1970 là thời điểm sự nghiệp của Takada bắt đầu thăng hoa, công việc kinh doanh phát triển vượt bậc, đưa ông trở thành nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên nổi tiếng tại kinh đô điện ảnh và xây dựng một thương hiệu tầm cỡ quốc tế.
|
“Khi tôi mở cửa hàng của mình, tôi nghĩ rằng sẽ không có ích gì khi làm những điều mà các nhà thiết kế Pháp đang làm, vậy nên tôi không làm điều đó. Tôi đã làm mọi thứ theo cách riêng của mình để trở nên khác biệt, tôi sử dụng vải kimono và những thứ có ảnh hưởng khác. Bước ngoặt lớn của tôi là khi Elle đưa một trong những thiết kế của tôi lên trang bìa và sau đó là buổi trình diễn của tôi vào năm 1971 rồi các biên tập viên quốc tế bắt đầu đến”, nhà sáng tạo gốc Á chia sẻ.
Thời gian ngắn sau đó, những kiểu áo trễ vai tiên phong, những chiếc áo khoét tay lớn, những chiếc đầm suông, những chiếc váy xếp nếp, những dáng vai cách tân và cửa hàng của nhà thiết kế mới khởi nghiệp đã được giới thiệu trên tạp chí Vogue. Kenzo Takada cũng có cơ hội trưng bày bộ sưu tập riêng ở New York (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản) vào năm 1971. “Việc kinh doanh quần áo may sẵn khi ấy chưa thực sự bắt đầu. Kenzo đã là người mở đường trong lĩnh vực này - Yves Saint Laurent cũng thế - nhưng Kenzo là người trẻ tuổi hơn”, Gunnila Lindblad chia sẻ với Vogue.
|
Cái tên Kenzo cũng dần ra đời và từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thời trang thế giới. Theo Vogue, Paris vào những năm 1970 đã phần nào mất đi phong độ vốn có. Người mang đến nguồn năng lượng mới cho thành phố hoa lệ ấy lại chính là các nghệ sĩ, nhà sáng tạo bên ngoài nước Pháp, bao gồm cả Kenzo Takada. Năm 1983, Kenzo bắt đầu thiết kế các bộ sưu tập dành cho nam, sau đó là trẻ em và gia đình vào năm 1987. Năm 1988, Kenzo tiến sâu vào thế giới nước hoa với những mùi hương được Vogue vinh danh là một trong những loại nước hoa Pháp kinh điển nhất mọi thời đại.
|
Nhà thiết kế tài năng chia sẻ với Vogue hồi năm 2000: “Công việc của tôi luôn hướng tới sự tự do và hài hòa. Tôi luôn muốn được nhớ đến như một nhà thiết kế vượt qua mọi ranh giới”. Quả đúng như vậy, trong suốt sự nghiệp sáng tạo thời trang của mình, nhà mốt tài hoa này đã không ngừng tạo ra những thiết kế mang hơi thở của sự tự do, phóng khoáng và đầy đam mê. Quần áo được Kenzo Takada thiết kế thường rộng rãi, cho phép mọi chuyển động của người mặc không bị giới hạn. Kenzo Takada cũng thừa nhận Yves Saint Laurent là nguồn cảm hứng quan trọng trong sự nghiệp của mình.
Chia tay Kenzo, tiếp tục cống hiến hết mình cho nghệ thuật
Những thiết kế đột phá với tông màu đậm, các họa tiết xung đột và được lấy cảm hứng từ những chuyến du lịch khắp thế giới mà Kenzo tạo ra khiến giới mộ điệu và các tín đồ thời trang phát cuồng. Các cửa hàng thời trang của nhà mốt danh tiếng này bắt đầu mở rộng quy mô tại Pháp, lấn sân sang nhiều thị trường quốc tế, len lỏi vào đời sống thời trang của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, Kenzo Takada không gắn bó suốt đời với thương hiệu tâm huyết của mình. Năm 1993, tập đoàn LVMH đã mua lại Kenzo với giá 80 triệu USD.
|
“Năm khó khăn nhất trong cuộc đời tôi là năm 1990, khi người bạn đời của tôi - Xavier qua đời còn đối tác kinh doanh của tôi bị đột quỵ và ngừng làm việc. Đó là lý do tại sao tôi bán công ty cho LVMH. Tôi cảm thấy mình không thể tự làm được và bắt đầu gặp nhiều vấn đề. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn đối với tôi vì vậy tôi nghĩ rằng một công ty lớn như vậy có thể giải quyết mọi việc cho thương hiệu của mình”, nhà thiết kế tài danh thừa nhận. Sau khi bán “đứa con tâm huyết”, Takada vẫn gắn với với Kenzo được vài năm, đến tháng 10.1999, nhà thiết kế người Pháp gốc Nhật từ chức Giám đốc sáng tạo của thương hiệu để theo đuổi con đường sáng tạo nghệ thuật riêng.
Trong 2 thập niên cuối đời, nhà thiết kế huyền thoại này vẫn không ngừng sáng tạo với việc tham gia nhiều dự án khác nhau. Ông thiết kế trang phục cho các vở opera ở Paris và khắp nơi trên thế giới, làm trang phục Olympic cho đội tuyển Nhật Bản năm 2004. Kenzo Takada tạo ra hai dòng nước hoa với Avon và bắt tay nhà sản xuất mắt kính Nhật Bản Masunaga. Ông cũng là một họa sĩ đã có các cuộc triển lãm ở Paris và Moscow. Tháng 1 vừa qua, ông vừa tung ra thương hiệu về phong cách sống mang tên K3.
|
Jonathan Bouchet Manheim - Giám đốc điều hành thương hiệu K3, ca ngợi nhà thiết kế quá cố: “Kenzo Takada vô cùng sáng tạo, với nét vẽ thiên tài của mình, ông ấy đã tưởng tượng ra một câu chuyện mới đầy màu sắc và nghệ thuật kết hợp giữa Đông và Tây, giữa quê hương Nhật Bản và cuộc sống ở Paris. Tôi đã có cơ hội làm việc bên cạnh nhà thiết kế trong nhiều năm, tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên, ngưỡng mộ sự tò mò và tính cách cởi mở của ông ấy. Lúc đầu ông ấy có vẻ ít nói và nhút nhát, nhưng rồi trở nên rất hài hước. Ông ấy là người rộng lượng và luôn biết cách chăm sóc những người thân thiết bằng cả trái tim mình… Kenzo Takada là hình ảnh thu nhỏ của nghệ thuật sống”.
|
Nói về thương hiệu của mình, Kenzo Takada không giấu được vẻ tâm đắc: “Thương hiệu Kenzo đã thay đổi rất nhiều… nhưng tôi thích việc chúng thực sự xuất hiện trên đường phố. Tôi thấy giới trẻ ngày nay diện Kenzo mọi lúc, đặc biệt là người châu Á trên khắp thế giới”. Dù đã gắn bó phần lớn cuộc đời với Pháp, Kenzo Takada vẫn luôn ghi nhớ về nguồn cội của mình. Ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm 2019: “Dù đã ở Paris suốt 55 năm nhưng tôi vẫn coi mình là người Nhật 100%”, đồng thời lý giải ông xem cả hai nơi đều là nhà.
Bình luận (0)