Câu chuyện trong Raya và rồng thần cuối cùng diễn ra ở vùng đất giả tưởng Kumandra - nơi con người từng sống hòa bình trong hàng trăm năm trước khi bị một thế lực xấu xa tàn phá, gây chia rẽ lòng tin giữa 5 vương quốc. Để giải cứu thế giới, nữ chiến binh Raya phải bước chân vào hành trình tìm kiếm Rồng thần cuối cùng trong truyền thuyết, gom góp các mảnh vỡ viên đá phép thuật đồng thời xóa bỏ mối bất hòa giữa các vương quốc để thống nhất Kumandra như tâm nguyện mà cha cô để lại. Phim có sự tham gia lồng tiếng của 3 diễn viên gốc Việt là Kelly Marie Tran, Thalia Tran, Patti Harrison, bên cạnh biên kịch gốc Việt Qui Nguyen phụ trách viết kịch bản.
Cốt truyện phiêu lưu cứu nhân loại không phải thế mạnh của Raya và rồng thần cuối cùng vì đã có nhiều phim hoạt hình đi trước khai thác chủ đề này, thậm chí làm tốt hơn ở nhiều khía cạnh. Có chăng, bộ phim là một dạng "bình cũ rượu mới" khi ê-kíp cố gắng lồng ghép những sáng tạo riêng, phá vỡ một số khuôn mẫu trên nền chất liệu truyện kể tưởng như đã quá quen thuộc.
|
Raya và rồng thần cuối cùng ghi điểm nhờ cách xây dựng nhân vật hiện đại, văn minh. Raya là một nữ chiến binh nên cũng có những điểm khác với hình mẫu công chúa Disney thông thường. Từng bị phản bội lúc nhỏ, Raya trở nên hoài nghi, mất niềm tin vào con người và đôi lúc chỉ sống vì mục tiêu của bản thân. Cô không phải kiểu nhân vật chuyên đi giáo hóa và nói đạo lý cho người khác. Raya có những người bạn đồng hành thay vì một chàng hoàng tử bên cạnh giúp đỡ, âu cũng là xu thế mới của các nàng công chúa Disney.
Những nhân vật khác như Rồng thần Sisu hay kẻ thù không đội trời chung Namaari được xây dựng với tạo hình độc đáo, cá tính ấn tượng. Mối quan hệ giữa họ và Raya có nhiều điểm bùng nổ. Cách bộ phim giải quyết mâu thuẫn ở cao trào dựa trên niềm tin của các nhân vật cũng rất khác biệt và táo bạo.
|
Thế giới giả tưởng lấy cảm hứng từ văn hóa Đông Nam Á là điểm thu hút lớn nhất của phim. Thế giới này bao gồm 5 vương quốc Long Tâm, Long Nha, Long Trảo, Long Cốt, Long Vĩ (mỗi vùng đất đại diện cho một bộ phận của rồng, phụ đề Việt dịch tên rất hay) với trang phục, phong tục, ẩm thực, kiến trúc và phong cách chiến đấu riêng biệt. Người xem có thể nhận ra sự hiện diện của mắm ruốc, các loại trái cây nhiệt đới như nhãn, thanh long xuyên suốt bộ phim. Đồ họa phim đẹp mắt mở ra trước mắt khán giả một thế giới rộng lớn, tạo nên bữa tiệc thị giác mãn nhãn.
Văn hóa của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia... được đưa vào phim mỗi thứ một ít nhưng không gợi liên hệ cụ thể đến quốc gia nào. Chẳng hạn Raya có thể gọi cha mình là “ba” - cách gọi của người Việt, nhưng kiến trúc, trang phục của Long Tâm và cách Raya dùng gậy chiến đấu lại được vay mượn từ những quốc gia khác. Có lẽ việc pha trộn các yếu tố văn hóa trong một vùng đất không có thật là cách giúp các nhà làm phim né những tranh cãi xung quanh vấn đề văn hóa vốn rất nhạy cảm.
Mặt khác, điều này lại vô tình khiến vài chi tiết văn hóa trong phim dù được nghiên cứu kỹ nhưng cuối cùng chỉ mang tính chất trang trí chứ không thực sự tác động đến nội dung. Raya đi đến từng vương quốc để tìm viên đá phép thuật nhưng chuyến hành trình này chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” là chính.
Bộ phim tập trung quá nhiều vào khía cạnh quân sự của mỗi vương quốc thông qua việc khắc họa thủ lĩnh, quân đội, vũ khí, hoàn toàn bỏ qua khía cạnh lao động sản xuất và văn hóa nông nghiệp - dù đây là một phần rất quan trọng dẫn đến tín ngưỡng thờ rồng của người Đông Nam Á. Điều đầu tiên cha Raya dạy cho cô cũng là các kỹ thuật chiến đấu.
Thế nên mặc dù tôn vinh văn hóa vùng viễn đông nhưng bản chất Raya và rồng thần cuối cùng vẫn là một câu chuyện phiêu lưu rất Hollywood, rất Disney - nơi nhân vật chiến đấu, làm chủ số phận của mình và dễ dàng vượt qua mọi thử thách để đạt đến sự trưởng thành nội tâm.
|
Khán giả có thể bỏ qua những lỗi nhỏ nhặt như vậy vì dẫu sao đây cũng là lần đầu tiên Nhà Chuột cố gắng khắc họa Đông Nam Á trong phim hoạt hình. Người đi tiên phong không thể tránh khỏi sai sót, nhưng mọi thứ sẽ là tiền đề cho sự phát triển sau này. Quá trình thực hiện phim cũng tạo cơ hội cho hàng loạt tài năng gốc Á tại Hollywood, đó là một tín hiệu đáng mừng. Bằng chất giọng truyền cảm, Kelly Marie Tran cũng hoàn thành rất tốt vai trò lồng tiếng cho nữ chiến binh Raya.
Nhìn chung, Raya và rồng thần cuối cùng chưa hẳn là một bộ phim hoàn hảo và còn nhiều điểm có thể cải thiện, nhưng đây chắc chắn là một phim gia đình "mẫu mực" theo chuẩn Disney, phù hợp với cả đối tượng người lớn lẫn trẻ con. Các em nhỏ chắc chắn sẽ thích thú khi nhìn thấy một nàng công chúa gốc gác Đông Nam Á trên màn ảnh. Còn người lớn xem phim cũng có thể rút ra từ câu chuyện thông điệp về lòng tin và sự đoàn kết. Phim hiện được chấm 7,8/10 trên IMDb và 95% trên Rotten Tomatoes.
Bình luận (0)