Thủy Tiên kêu gọi từ thiện có gặp rắc rối về pháp lý?

22/10/2020 10:11 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng việc Thủy Tiên đứng ra kêu gọi từ thiện, hiện đã nhận được ủng hộ hơn 100 tỉ đồng, sẽ khiến cô gặp rắc rối vì vi phạm nghị định 64/2008. Các luật sư đã có những chia sẻ với Thanh Niên về vấn đề này?

Nghị định nếu không còn phù hợp thì nên bãi bỏ

Những ngày qua, thông tin ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được hơn 100 tỉ đồng để hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Bên cạnh những lời khen ngợi hành động ý nghĩa của nữ ca sĩ, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về tính hợp pháp của việc làm này.

Thủy Tiên: "Nếu vì việc từ thiện mà mất hết, tôi vẫn vui vẻ chấp nhận"

Theo Điều 5 Nghị định 64/2008 quy định chỉ có các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Đồng thời, điều luật này còn quy định ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ.

Khoảnh khắc bà xã Công Vinh giản dị đi làm từ thiện nhận được lời khen của cộng đồng mạng

Ảnh: FBNV

Liên quan đến câu chuyện này, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên và nhiều nghệ sĩ khác là cá nhân đứng ra tiếp nhận thì chịu trách nhiệm về hành vi của mình đối với cá nhân/tổ chức đã gửi tiền, hàng hóa cho mình để đi làm từ thiện. Có thể hiểu các trường hợp này là cá nhân, tổ chức ủy thác cho một cá nhân khác thay mặt mình giúp đỡ cho những người gặp thiên tai. “Đây là giao dịch dân sự bình thường giữa người gửi và người giao”, luật sư Hùng phân tích.
Cá nhân luật sư Hùng đánh giá Thủy Tiên và nhiều nghệ sĩ khác nhận tiền là để trao quà thay cho chính chủ tài sản muốn trao tặng cho người dân miền Trung, tức chỉ là kênh nối chứ không đứng ra để vận động, tư lợi cá nhân. Vì vậy, ông cho rằng hành vi này không vi phạm nghị định 64/2008. “Chuyện này rất bình thường, cần khuyến khích những việc làm như vậy. Tôi cũng nghĩ đã đến lúc hủy bỏ nghị định 64/2008 vì nó đã không điều chỉnh kịp cuộc sống, không còn phù hợp vì nhu cầu từ thiện của cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước với năng lực, uy tín ngày càng lớn, nhiều như hiện nay. Nhiều doanh nhân, tổ chức muốn làm từ thiện trong khi Việt Nam là một đất nước nằm trong vị trí dễ bị nhiều cơn bão, lũ lụt là điều nên thay đổi quy định pháp luật”, luật sư Hùng nêu quan điểm. Chưa dừng lại ở đó, luật sư Hùng cho rằng việc người nổi tiếng được tin tưởng và người dân muốn thông qua họ để giúp đỡ những người gặp thiên tai, người có hoàn cảnh khó khăn đang rất phổ biến. “Vì vậy, tôi rất mong cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành một văn bản quy định cụ thể để điều chỉnh các quan hệ này và thay thế nghị định 64/2008”, ông nói.

Thủy Tiên bắt đầu thấy lo khi tiền quyên góp lên đến hơn 100 tỉ đồng

Đồng quan điểm, luật sư Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nghị định 64/2008 đã ban hành lâu và không còn phù hợp. Theo ông cần có sự điều chỉnh, không chỉ có cơ quan nhà nước được quyền trong vấn đề quyên góp cũng như cứu trợ. Điều đó đồng nghĩa với việc cá nhân, đoàn thể mỗi khi gặp trường hợp thiên tai, bão lũ đều có thể tự đứng ra quyên góp. Ông Quang Đức nói thêm về mặt chế tài, nếu những cá nhân, đoàn thể lợi dụng việc từ thiện để thu lợi cho cá nhân thì đã có biện pháp xử lý, trong bộ luật hình sự đã nêu rõ. “Theo pháp luật, việc những nghệ sĩ đứng ra quyên góp vẫn là vi phạm nghị định 64/2008. Nhưng trừ khi họ lợi dụng để mưu lợi cho cá nhân thì vi phạm, còn nếu họ làm một cách công tâm, nhận quyên góp rồi đi cứu trợ chứ không có lợi ích cá nhân gì trong đó thì họ không bị ảnh hưởng”, luật sư Đức phân tích.

Hiện tại, Thủy Tiên đang có mặt tại TP.HCM để giải quyết công việc và nghỉ ngơi. Sau đó, người đẹp sẽ trở lại tiếp tục hành trình ý nghĩa của mình

Ảnh: FC Thủy Tiên

Cần ủng hộ những hành động đẹp và kịp thời như Thủy Tiên

Luật sư Ngô Việt Bắc (Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây nguyên - Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng ngoài Điều 5 thì Khoản 1 Điều 2 của nghị định cũng quy định: “Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Ông cho rằng ở góc độ pháp lý, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, tổ chức vận động để phục vụ cho từ thiện mà còn khuyến khích, tạo điều kiện để cá nhân được thực hiện để khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khi thiên tai xảy ra.
Theo luật sư Bắc, xét về tình hình thực tế hiện tại, việc Thủy Tiên hay nhiều nghệ sĩ khác lập một tài khoản tiếp nhận tiền, trực tiếp hỗ trợ bà con vùng lũ là hành động tự phát, không có tính chất thường xuyên. Ông cho rằng bản chất của hành động quyên góp tiền, tài sản, lương thực này chính là việc tặng cho tài sản, mà quan hệ tặng cho tài sản là quan hệ dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự Việt Nam, không được điều chỉnh bởi các quy định đối với các quỹ từ thiện cụ thể là nghị định 64/2008. Luật sư nhấn mạnh: “Chỉ khi nào những cá nhân này hoạt động tự nguyện thường xuyên theo định kỳ thì lúc này mới phải hoạt động, thực hiện theo sự điều chỉnh của pháp luật có liên quan”.

Thủy Tiên đang lên kế hoạch để sử dụng hơn 100 tỉ đồng một cách hợp lý. Cô khẳng định sẽ trao đến tay người cần

Ảnh: FBNV

“Hành động từ thiện của các cá nhân này không vi phạm điều cấm nào của luật, không trái đạo đức xã hội, các cá nhân này chỉ vi phạm pháp luật khi sử dụng tiền sai mục đích hoặc có những hành vi khác làm thất thoát số tiền này thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như trước những người đã nộp tiền vào tài khoản để từ thiện. Dưới góc độ là luật sư, tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ những hành động đẹp và kịp thời từ các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân điển hình là ca sĩ Thủy Tiên. Đây là hành động thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẻ, là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cần được nhân rộng nhiều hơn nữa trong những thời khắc, hoàn cảnh khó khăn như lúc này cùng hướng về khúc ruột miền Trung”, luật sư Việt Bắc nói.

Tóc Tiên, Phạm Quỳnh Anh nói gì khi Thủy Tiên làm từ thiện bị cho là ‘chiêu trò’?

Luật sư Nguyễn Phước Vẹn (Văn phòng luật sư Phú Nhân An chi nhánh quận 4, TP.HCM) khẳng định việc Thủy Tiên hay nhiều nghệ sĩ khác đứng ra kêu gọi vận động cứu trợ cho người dân miền Trung không phải là đối tượng điều chỉnh của nghị định 64/2008 mà là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Như vậy, các nghệ sĩ này không vi phạm nghị định 64/2008. Theo ông, hoạt động kêu gọi cho các cá nhân chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt đã xác lập một hợp đồng tài sản mà bên tặng là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, còn bên nhận là cá nhân chịu thiệt hại của mưa lũ. Theo Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
“Theo khoản 2, Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Nghị định 64/2008, nên giả sử rằng có mâu thuẫn, chồng chéo giữa Bộ luật dân sự 2015 và Nghị định 64/2008 thì Bộ luật dân sự 2015 vẫn được ưu tiên áp dụng, tức là quan hệ hợp đồng tặng cho tài sản nêu trên vẫn được pháp luật thừa nhận và hành vi kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phối hàng, tiền cứu trợ của các nghệ sĩ không vi phạm quy định của pháp luật”, luật sư Phước Vẹn phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.