Cách đây vài ngày, mạng xã hội Weibo bất ngờ khóa tài khoản 21 fanclub Trung Quốc của các sao Kpop đình đám. Truyền thông Hàn Quốc ngay lập tức cho rằng hành động này có thể cản trở sự giao lưu văn hóa giải trí của hai nước. Thậm chí, dư luận xứ kim chi còn lo ngại động thái chấn chỉnh “văn hóa fandom” của cơ quan chức năng Trung Quốc đang “nhắm” đến làn sóng Hallyu, đặc biệt là Kpop.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc tuyên bố: “Chiến dịch chấn chỉnh fandom đánh vào tất cả những chia sẻ và hành vi có thể tác động xấu đến trật tự xã hội, làm trái đạo đức, vi phạm luật pháp... Động thái này sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến việc giao lưu giữa Trung Quốc và các quốc gia khác”.
|
Trước đó, nhiều trang báo Hàn Quốc đều nghi ngại nỗ lực “làm sạch” cộng đồng fan của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến làn sóng Hallyu nói chung và Kpop nói riêng. Việc hàng loạt fanclub sao Kpop như Lisa, Rosé, Jimin... tại Trung Quốc bị hạn chế hoạt động cũng khiến người hâm mộ nhạc Hàn hoang mang. Nhiều fan lo lắng doanh số tiêu thụ album của thần tượng sẽ sụt giảm vì các fanclub Kpop tại Trung Quốc nổi tiếng rất “chịu chi”.
Tuy nhiên, một công ty Hàn Quốc phân tích rằng các quy định mới của chính phủ Trung Quốc dành cho các fandom sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến Kpop về lâu dài. Bởi các doanh nghiệp giải trí xứ kim chi nay đã rút kinh nghiệm cũng như bớt phụ thuộc vào thị trường đông dân nhất hành tinh sau một đợt Trung Quốc tung lệnh “hạn Hàn” hồi năm 2016.
Hiện nhiều công ty giải trí Hàn Quốc đang đa dạng hóa mô hình kinh doanh bằng cách bán sản phẩm ăn theo, tổ chức concert online, phát hành nhạc kỹ thuật số... để củng cố fandom quốc tế ngoài Trung Quốc. Các sao Kpop cũng tận dụng tối đa các nền tảng YouTube, Spotify hay mạng xã hội Instagram, Twitter... để tung sản phẩm, giao lưu fan quốc tế. Vài công ty cũng đã thâm nhập thị trường Nhật Bản thành công.
Bình luận (0)