* NHẬN ĐỊNH TRƯỚC TRẬN ĐẤU
Cuộc so tài ở chung kết U.23 Đông Nam Á giữa U.23 Việt Nam và U.23 Indonesia là trận đấu đáng xem, bởi trong khi U.23 Việt Nam đang là đương kim vô địch U.23 Đông Nam Á, U.23 Indonesia lại vừa lên ngôi vô địch ở SEA Games 32. Ở cấp độ U.23, bóng đá Việt Nam và Indonesia đang so kè, cạnh tranh nhau quyết liệt vị trí dẫn đầu.
U.23 Việt Nam từng "gieo sầu" cho U.23 Indonesia với thành tích bất bại trước đối thủ trong hơn một thập kỷ ở các giải trẻ Đông Nam Á. Tuy nhiên, gió đã đổi chiều ở SEA Games 32, khi U.23 Indonesia thắng thuyết phục U.23 Việt Nam của HLV Philippe Troussier ở bán kết.
Đó là trận đấu mà dù được chơi hơn người, nhưng U.23 Việt Nam vẫn để thua đáng tiếc với bàn thua ở phút cuối cùng.
Các cầu thủ trẻ đã nhận lại bài học quý giá. Để sau 3 tháng, những gương mặt góp mặt ở trận đấu này như Lương Duy Cương, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Văn Trường, Đinh Xuân Tiến, Khuất Văn Khang, Quan Văn Chuẩn... có cơ hội chứng tỏ khả năng đứng lên từ sai lầm.
Trước khi bàn đến tình huống dẫn đến bàn thua, nguyên nhân chính khiến U.23 Việt Nam thua trận này là thiếu ý tưởng chơi bóng. Toàn đội đã thực hiện lối đá kiểm soát, luân chuyển bóng bài bản bằng những đường chuyền ngắn theo ý đồ của ban huấn luyện. Dù vậy khi đưa bóng đến phần sân phòng ngự của U.23 Indonesia, U.23 Việt Nam lại lúng túng, bế tắc.
Trước lối chơi phòng ngự lớp lang, quyết liệt của đối thủ, Văn Khang và đồng đội thường xử lý vội vàng. HLV Troussier khẳng định học trò thiếu quyết đoán ở tình huống cuối, chưa hiểu rõ khi nào nên sút hay nên chuyền, hay xử lý ra sao để đặt đồng đội vào thế thuận lợi,...
Khi U.23 Indonesia thiếu người, U.23 Việt Nam vẫn không tìm được đường tiếp cận cầu môn hiệu quả, mà chủ yếu chỉ tạt bóng.
Đây là vấn đề HLV Hoàng Anh Tuấn cùng học trò cần lường trước ở chung kết. U.23 Việt Nam đã ghi 9 bàn trong 3 trận đã qua, nhưng áp lực ở chung kết rất khác. U.23 Indonesia cũng có thừa sự tinh quái và kỷ luật để "bóp nghẹt" ý tưởng của U.23 Việt Nam, thậm chí có thể không ngại đá rắn để gây áp lực tinh thần.
Một đề bài khó nữa U.23 Indonesia đặt ra cho U.23 Việt Nam, đó là những quả ném biên "sấm sét". Ở bán kết SEA Games 32, U.23 Việt Nam đã thua 2 bàn từ những pha ném bóng cực mạnh của Pratama Arhan. Trước những cú ném biên của U.23 Indonesia, hàng thủ U.23 Việt Nam chống đỡ rất thụ động, thủ môn Văn Chuẩn cùng hậu vệ không kiểm soát được tình hình và để đối thủ ghi bàn khá dễ dàng.
Trong trận đấu với U.23 Malaysia, U.23 Việt Nam đã thể hiện lối chơi kiểm soát ở mức độ nhuần nhuyễn đáng khen. Không chỉ luân chuyển bóng tốt, toàn đội còn đẩy cao đội hình pressing, dồn ép liên tục khiến U.23 Malaysia "tan vỡ" hoàn toàn tuyến giữa.
Lối chơi đầy chủ động và táo bạo của U.23 Việt Nam đã mang lại sự hứng khởi cho người hâm mộ. Tuy nhiên ở trận chung kết, U.23 Việt Nam cần giữ được cái đầu lạnh. Tức là vẫn giữ cường độ chơi bóng dồn dập, nhưng các cầu thủ cần tiết chế, kiểm soát nhịp độ chơi bóng, biết lúc nào nên tràn lên, lúc nào cần lùi xuống, làm chậm lối chơi để ghìm chân U.23 Indonesia.
Tràn lên được thì lùi xuống được, tăng tốc được thì "giảm ga" được. U.23 Việt Nam cần sự cân bằng cả về lối chơi lẫn tâm lý thi đấu để thắng trận chung kết được dự đoán khó nhằn này.