Giảm cân đúng cách cho trẻ béo phì

20/05/2022 08:02 GMT+7

Con tôi 13 tuổi, bị béo phì so với tham chiếu phát triển. Tôi lo ngại cháu có nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến thừa cân như tim mạch, tiểu đường...

Cháu muốn nhịn ăn để giảm cân, còn tôi thì có ý định không cho cháu uống sữa, như vậy có đúng không? Xin bác sĩ tư vấn giảm cân đúng cách và phù hợp với lứa tuổi đang phát triển của cháu. (D.T.Xuân, ngụ Quảng Nam)

Bác sĩ Ngô Thị Xuân Bích, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, trả lời:

Cả hai phương pháp nhịn ăn và cắt sữa đều không đúng.

Nhịn ăn để giảm cân là quan niệm sai lầm, ở cả người lớn và trẻ em, vì người nhịn ăn có xu hướng ăn nhiều vào bữa tiếp theo dẫn đến dễ béo hơn. Bên cạnh đó, nhịn ăn còn làm trẻ mệt mỏi, giảm khả năng học tập, rối loạn chuyển hóa…

Cần khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể lực để phòng ngừa thừa cân, béo phì

shutterstock

Quan niệm sai lầm thứ hai là hạn chế uống sữa hoặc không cho trẻ uống sữa, trong khi sữa và chế phẩm của sữa là thực phẩm bổ sung canxi cho trẻ, vì canxi trong sữa dễ hấp thu và đồng hóa. Quan niệm sai lầm này dẫn đến việc giảm cân không đúng cách, ảnh hưởng đến chiều cao, phát triển tinh thần và thể chất của trẻ.

Đối với béo phì ở trẻ em, cần xác định 2 nhóm nguyên nhân chính:

Nhóm thứ nhất và phổ biến hơn cả là béo phì do dinh dưỡng, hay còn gọi là béo phì đơn thuần. Béo phì đơn thuần là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp, là sự tương tác giữa di truyền và môi trường. Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi cân bằng năng lượng khi năng lượng ăn vào lớn hơn năng lượng tiêu hao dẫn đến hậu quả tích lũy mỡ.

Nhóm thứ hai là béo phì bệnh lý, do rối loạn chuyển hóa của cơ thể thông qua vai trò của hệ thần kinh, tuyến nội tiết như tuyến yên, tuyến thượng thận, giáp trạng và tụy nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Cần phân biệt con bạn ở nhóm nào để có hướng điều trị giảm cân phù hợp và hiệu quả. Vì hậu quả thừa cân, béo phì nếu không điều trị sớm chính là nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, tăng cholesterol dẫn tới nhồi máu cơ tim, tiểu đường, các bệnh xương khớp, nguy cơ mắc một số bệnh ung thư… Ngoài ra, còn ảnh hưởng tới tâm lý, giảm hoạt động xã hội của trẻ, thậm chí trẻ béo phì còn có nguy cơ biến chứng khác như nghẽn thở khi ngủ.

Giảm chậm ở mức 2 - 4 kg/năm

Mục tiêu của can thiệp dinh dưỡng là để trẻ có một cân nặng và sức khỏe lý tưởng theo bảng tham chiếu tốc độ phát triển, bằng cách làm chậm tăng cân hoặc ngừng tăng cân. Theo đó, cần kiểm soát và duy trì cân nặng lý tưởng theo chiều cao, đảm bảo trẻ tăng trưởng tốt theo lứa tuổi.

Vì ở trẻ em là cơ thể đang phát triển, nên điều trị béo phì ở trẻ em không đặt ra vấn đề giảm cân, mà là giảm tốc độ tăng cân hay tránh tăng cân thêm, để đảm bảo sự phát triển chiều cao của trẻ. Cho phép trẻ vẫn tiếp tục tăng trưởng từ từ cùng với cân nặng qua thời gian, điều này có thể kéo dài 1 - 2 năm hoặc hơn phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và cách phát triển của trẻ. Nếu trẻ đã tăng cân quá nhiều thì có thể cho trẻ giảm cân từ từ khoảng 2 - 4 kg/năm.

Lưu ý trong điều trị béo phì

Trong quá trình điều trị béo phì ở trẻ em, quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ ăn, nhằm giảm năng lượng ăn vào. Đó là xây dựng thực đơn khẩu phần cân đối, hợp lý, phối hợp nhiều loại thức ăn trong một bữa và phải đủ các chất dinh dưỡng. Nên kiểm soát cả những bữa ăn bên ngoài (như ăn ở trường học) để đảm bảo cân bằng năng lượng.

Phải uống đủ nước và nên cho trẻ uống sữa không đường, với trẻ lớn thì nên uống sữa cho người gầy. Cần tăng rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế mỡ ít hơn 25% tổng năng lượng (hạn chế món chiên xào), hạn chế đường.

Nên ăn đều đặn các bữa, tránh bỏ bữa. Không để trẻ quá đói (vì nếu trẻ bị đói sẽ ăn nhiều hơn vào các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn). Nên ăn nhiều vào buổi sáng, giảm ăn về buổi chiều và tối. Không nên ăn trước khi đi ngủ.

Khuyến khích trẻ nhai kỹ, vì việc ăn chậm giúp trẻ cảm nhận được mình no và sẽ ngừng ăn khi no. Nếu ăn quá nhanh thì sẽ ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết. Tránh cho trẻ nhai kẹo cao su làm cho trẻ lúc nào cũng muốn nhai.

Bên cạnh điều chỉnh dinh dưỡng thì trẻ cần tăng cường hoạt động thể lực nhằm tăng năng lượng tiêu hao. Phải đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất theo lứa tuổi để đảm bảo yêu cầu cho một cơ thể đang phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.