Giảm căng thẳng thi lớp 10: Đừng để vào trường nghề là giải pháp cuối cùng

21/06/2024 06:09 GMT+7

Trong mấy năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS quyết định rẽ hướng sang học nghề đang dần tăng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản về tâm lý và chính sách khiến tỷ lệ này chưa được như kỳ vọng.

MÔ HÌNH 9+3

Từ năm 2011, Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị đã có nội dung về tăng cường phân luồng học sinh (HS) sau THCS, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Từ đó đến nay, nhiều trường CĐ và trung cấp đã thực hiện mô hình 9+3, HS tốt nghiệp THCS vừa học nghề chương trình trung cấp vừa học chương trình văn hóa (4 môn) theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Giảm căng thẳng thi lớp 10: Đừng để vào trường nghề là giải pháp cuối cùng- Ảnh 1.

Hiện nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích học sinh học nghề sau THCS

MỸ QUYÊN

Dù chính sách đã tạo điều kiện để thu hút HS đi học nghề, nhưng vẫn còn nhiều bất cập và rào cản từ tâm lý phụ huynh và từ một số quy định về sử dụng người lao động.

TS PHẠM VŨ QUỐC BÌNH (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH)

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP.HCM), nhận định nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách thuận lợi để khuyến khích HS đi học nghề, đặc biệt là sau THCS. "Thứ nhất, các em được hỗ trợ 100% học phí khi học chương trình trung cấp. Thứ hai, các em vừa được học nghề, vừa được học chương trình văn hóa để khi tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa này, các có em đủ điều kiện để liên thông lên CĐ, ĐH. Chưa kể thị trường lao động rất cần lực lượng lao động tốt nghiệp các trường nghề. Nhiều doanh nghiệp đến tận trường đặt hàng và tuyển dụng, trả lương theo năng lực chứ không theo bằng cấp, cho thấy học nghề đang có rất nhiều lợi thế cho HS".

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (TP.HCM), cũng cho biết hiện nay HS lớp 9 có nhiều thuận lợi nếu đi học nghề, khi được lựa chọn rất nhiều ngành nghề khác nhau phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, từ kỹ thuật, công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ...

Thủ khoa kỳ thi lớp 10 tại TP.HCM: Định hướng làm bác sĩ, may mắn học giỏi đều!

PHỤ HUYNH VẪN CÒN E NGẠI

Theo tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, sau Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị, mới đây nhất là Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 của Thủ tướng Chính phủ, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% HS tốt nghiệp THCS và THPT.

"Thế nhưng hiện nay tính trung bình trên toàn quốc mới chỉ có khoảng 19 - 20% HS tốt nghiệp THCS vào học nghề. Con số này đã tăng nhiều so với những năm trước đây, dù tỷ lệ vẫn chưa được như kỳ vọng. Dù chính sách đã tạo điều kiện để thu hút HS đi học nghề, nhưng vẫn còn nhiều bất cập và rào cản từ tâm lý phụ huynh và từ một số quy định về sử dụng người lao động", tiến sĩ Quốc Bình đánh giá.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho rằng nhiều phụ huynh vẫn còn xem trọng bằng cấp, với tâm lý truyền thống là con học xong lớp 9 nhất định phải học tiếp THPT và vào ĐH, chưa xem học nghề là một lựa chọn bình đẳng như các lựa chọn khác. Đó là một lý do quan trọng khiến cho kỳ thi vào lớp 10 công lập ngày càng cạnh tranh gay gắt, gây căng thẳng cho cả phụ huynh lẫn HS.

Cùng quan điểm, thạc sĩ Trần Phương chia sẻ: "Một số em do hiểu chưa đúng nên lo lắng học nghề sẽ bị giới hạn về cơ hội việc làm và thu nhập trong tương lai. Trong khi đó, đa số phụ huynh vẫn muốn con em học ĐH mặc dù điều này có thể không phù hợp với năng lực và sở thích của HS".

Về vấn đề sử dụng người lao động, tiến sĩ Phạm Hữu Lộc cho rằng một rào cản lớn khiến người muốn học nghề e ngại là các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có bằng tốt nghiệp ĐH. "Các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân đã không còn xem trọng bằng cấp mà họ đánh giá ứng viên qua kỹ năng, năng lực; nhưng các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước vẫn đòi hỏi người lao động phải có bằng tốt nghiệp ĐH, ngay cả ở những công việc không cần thiết", tiến sĩ Lộc chia sẻ.

Giảm căng thẳng thi lớp 10: Đừng để vào trường nghề là giải pháp cuối cùng- Ảnh 2.

Một trong những giải pháp để thu hút HS học nghề là các trường phải thực sự chú tâm đầu tư về chất lượng đào tạo, uyển chuyển thay đổi phương pháp giảng dạy

MỸ QUYÊN

CẦN TÍCH HỢP GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VÀO CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG

Để khuyến khích nhiều HS lớp 9 chủ động lựa chọn học nghề, thạc sĩ Trần Phương cho rằng cần có những nỗ lực nhằm loại bỏ định kiến, cải thiện công tác tư vấn hướng nghiệp, và truyền tải thông tin đầy đủ về cơ hội nghề nghiệp sau khi học nghề.

"Các trường cũng nên xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính như học bổng, vay vốn, để giảm gánh nặng cho HS khi lựa chọn học nghề. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp và thu nhập của người lao động có kỹ năng nghề", ông Phương đề xuất.

Theo ông Phương, nên tích hợp giáo dục nghề nghiệp vào chương trình phổ thông bằng việc bổ sung các môn học, hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp từ bậc tiểu học và THCS, giúp HS phát hiện sở trường, sở thích và hình thành ý định nghề nghiệp sớm hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý cũng cho rằng rất nên tích hợp nghề vào chương trình tiểu học và THCS để giúp HS có nhận thức về nghề nghiệp từ nhỏ. "Hiện nay ở các trường THCS và THPT cũng có các giờ hướng nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa hiệu quả nên việc tích hợp này là hoàn toàn cần thiết; vì hướng nghiệp cần một quá trình lâu dài và làm từng bước một. Vài buổi học, vài buổi trao đổi với HS sẽ không thể nào đạt được mục tiêu hướng nghiệp và phân luồng", thạc sĩ Lý cho hay.

Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho HS từ sớm, thậm chí ngay từ bậc tiểu học. Trong tương lai nên tích hợp một số nghề vào chương trình, cho HS được làm quen, thử "đóng vai" các vị trí nghề nghiệp, từ đó mới biết khả năng, mong muốn để hướng tới. "Nhà nước đã miễn phí học nghề, thì nên có chính sách miễn phí luôn khi các em học các môn văn hóa trong trường nghề. Ngoài ra, chính sách sử dụng lao động tại các cơ quan hành chính nhà nước cũng nên thay đổi để người học nghề có thể được tuyển dụng ở những vị trí phù hợp", tiến sĩ Bình chia sẻ.

Một trong những giải pháp để thu hút HS học nghề, theo thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM), là các trường nghề phải thực sự chú tâm đầu tư về chất lượng đào tạo, uyển chuyển thay đổi được phương pháp giảng dạy.

Thạc sĩ Lệ Thu nêu quan điểm: "Để thu hút thêm nhiều người học, trường nghề mong muốn được đào tạo văn hóa hệ GDTX và được sở GD-ĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT giống các trung tâm GDTX; vì hiện nay Bộ GD-ĐT cho phép các em trường nghề có học văn hóa được đi thi THPT để lấy điểm xét tuyển ĐH nhưng không được cấp bằng THPT. Bên cạnh đó, nên thống nhất bộ dữ liệu thông tin dùng chung khi HS được quyền lựa chọn đăng ký học nghề ngay trên hệ thống của Bộ GD-ĐT".

Tỷ lệ HS khá, giỏi chủ động chọn học nghề đang tăng

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc cho biết, hiện tại Trường CĐ Lý Tự Trọng có khoảng hơn 3.000 HS tốt nghiệp THCS vào học nghề. "Trong đó không ít HS khá, giỏi, hoàn toàn có thể đậu lớp 10 công lập, nhưng do các em có định hướng nghề nghiệp tốt, yêu thích học nghề nên chủ động đăng ký ngay sau khi hoàn thành lớp 9. Nhiều em là con em của lãnh đạo các doanh nghiệp", tiến sĩ Lộc thông tin.

Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu cho biết Trường CĐ Viễn Đông hằng năm tuyển sinh rất tốt đối tượng này. Các năm gần đây trường thu hút rất nhiều HS khá, giỏi vào học chương trình 9+. Năm 2023 - 2024, có hơn 50% HS khá, giỏi 4 năm liền THCS đăng ký ngay từ đầu, cho thấy phụ huynh đã bắt đầu có cái nhìn khác về học nghề.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.