Việc khách sạn, nhà hàng "mở cửa" nhà vệ sinh cho khách đi đường sử dụng ít nhiều sẽ giảm thiểu tình trạng đái bậy gây mất mỹ quan, vừa thể hiện văn hóa phục vụ, góp phần thu hút khách.
Khách du lịch đi bộ ở phố Tây Phạm Ngũ Lão, Q.1 - Ảnh: Trung Hiếu |
Sau bài viết Đi vệ sinh ở đâu?, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc xây thêm nhà vệ sinh (NVS) công cộng thì cần tuyên truyền để các khách sạn, nhà hàng, cửa tiệm cho khách, người đi đường dùng NVS.
Nên vui vẻ cho sử dụng
Ông Đặng Đức Tuấn – Giám đốc điều hành khách sạn Elios ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, Q.1 nói, trước đây ngành du lịch TP.HCM đã khuyến khích khách sạn, nhà hàng ở khu vực trung tâm cho khách hay người đi đường sử dụng NVS. Trên thực tế nhiều khách sạn, nhà hàng đã áp dụng nhưng có nhiều NVS nằm tuốt ở sâu phía trong nên khách muốn vào cũng ngại.
Theo bạn giải pháp nào chống tiểu bậy ngoài đường?
“Muốn thực hiện cần có sự đồng lòng của nhiều doanh nghiệp. Phần lớn khách sạn và nhà hàng đều ý thức cái gì có lợi cho khách thì làm nhưng treo bảng trước cửa để thông báo cho khách thì không được, trông kỳ lắm!”, ông Tuấn nói.
Một chủ nhà hàng ở Q.1 (đề nghị giấu tên) cho rằng, TP.HCM cần phải tuyên truyền rộng rãi việc cho khách đi nhờ NVS giống như cách TP.Đà Nẵng đang làm. Trước mắt cần thí điểm ở một số khu vực tập trung đông khách rồi dần dần áp dụng đại trà.
Điều này vừa góp phần bảo vệ thành phố sạch đẹp và cũng gián tiếp thu hút khách. Song song với việc khuyến khích thì TP cần giữ an ninh trật tự ở nơi có đông du khách. Bởi nhiều nhà hàng hay khách sạn không ngại việc cho khách sử dụng NVS mà chỉ sợ kẻ gian trà trộn vào trộm cắp, hút chích ma túy và làm phiền khách.
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND, TP.HCM là một trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ lớn. Cho nên nếu xây mới NVS công cộng thì phải đúng chuẩn, chất lượng cao, sạch sẽ, thẩm mỹ và nhà nước phải có trách nhiệm làm có kết quả hoặc chủ động kêu gọi xã hội hóa.
Trên thực tế, hiện có rất nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà phê luôn vui vẻ cho khách du lịch hoặc người dân đi vệ sinh cá nhân miễn phí khi có nhu cầu…đột xuất. Tuy nhiên, do mật độ nhà hàng, khách sạn, quán cà phê ở trung tâm TP rất dày nên nếu nơi nào cũng treo bảng ở phía trước sẽ tạo hình ảnh không đẹp và thẩm mỹ.
Áp dụng ở khu vực đông du khách
UBND TP.Đà Nẵng cũng đã đồng ý cho Ban quản lý bán đảo Sơn Trà tăng cường thêm 12 NVS công cộng, nâng số lượng NVS công cộng tại bãi biển lên 34 cái, có nhân viên trực, mở cửa phục vụ mọi người miễn phí.
Trong khi đó, ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy Hải Châu, TP.Đà Nẵng cho hay, sau mô hình "Comfort as home - thoải mái như ở nhà" của Hội Doanh nghiệp Q.Hải Châu, địa phương sẽ tiến đến vận động doanh nghiệp rà soát lại các NVS của mình.
"Mục đích là để chuẩn hoá các NVS, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp NVS, doanh nghiệp nào tiên phong, làm tốt, sẽ được quận công bố để người dân và du khách biết, ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong việc phục vụ không chỉ khách của mình mà cho cả cộng đồng" - ông Thương nói.
Đối với việc yêu cầu các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng cho người dân và du khách sử dụng NVS miễn phí như điều kiện bắt buộc, ông Thương cho rằng “Chưa nên áp dụng rộng rãi mà chỉ nên xem xét ở một số khu vực nhất định đang "trắng" NVS công cộng nhưng tập trung đông du khách”.
Từ tháng 7.2015, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP.Đà Nẵng đã phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương thí điểm xử phạt các hành vi xả rác, phóng uế tại bãi biển.
Đến nay, việc xử phạt vẫn gặp khó do thiếu phương tiện ghi hình làm chứng cứ để người vi phạm chấp hành, hoặc người đi tắm biển vịn lý do không mang theo tiền để không nộp phạt.
Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Phó ban quản lý, việc nhắc nhở, xử phạt đã tạo được ý thức chuyển biến tốt để người dân và du khách tự giác chấp hành.
Bình luận (0)