Giảm dần vai trò của cơ quan chủ quản trường đại học

03/07/2019 09:06 GMT+7

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, luật Giáo dục ĐH sửa đổi được xây dựng phù hợp với xu hướng giảm dần vai trò của cơ quan chủ quản, thậm chí khi không còn vai trò của cơ quan chủ quản thì luật vẫn không lỗi thời.

Bà Phụng cho biết: Trong luật, có một cụm từ hay được nhắc đến là “cơ quan quản lý có thẩm quyền”. Khái niệm này bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, là Bộ GD-ĐT; các địa phương quản lý trường ĐH theo địa bàn... Sở dĩ phải dùng cụm từ này bởi tinh thần của luật được xây dựng phù hợp với xu hướng bỏ cơ quan chủ quản.

Không quy định về nhiệm kỳ của hiệu trưởng

Vậy vai trò của cơ quan chủ quản trong luật Giáo dục ĐH (GDĐH) 2018 là gì, thưa bà?
Cơ quan chủ quản là cơ quan đề xuất thành lập trường, cấp kinh phí, đại diện cho sở hữu nhà nước đối với trường, nên chúng tôi dự kiến đưa vào dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật, ví dụ họ sẽ cử người vào hội đồng trường… Hoặc những trường ĐH thay đổi phương thức hoạt động, từ trường ĐH phát triển lên ĐH theo luật, rồi các trường ĐH liên kết với nhau thành ĐH lớn, thì phải có sự đồng ý của cơ quan chủ quản, rồi đổi tên… Cơ quan chủ quản sẽ quản lý trường thông qua đại diện mà mình cử vào hội đồng trường chứ không theo kiểu cấp kinh phí, cấp biên chế… từ trên xuống nữa. Với tinh thần xây dựng luật theo cách như thế thì chúng ta có thể thực hiện việc ngày càng giảm dần vai trò của cơ quan chủ quản. Hoặc sau này trường công tự chủ hoàn toàn kinh phí, không thực hiện theo chế độ công chức nữa, chế độ viên chức thì cũng sẽ ngày càng linh hoạt, gần gũi với quan hệ lao động, như là hợp đồng làm việc có dài hạn có ngắn hạn, thì vai trò của cơ quan chủ quản ngày càng mờ đi.
Luật GDĐH 2018 không quy định về nhiệm kỳ của hiệu trưởng, điều này gây băn khoăn trong dư luận xã hội, bà có thể giải thích kỹ hơn về nội dung này?
Trong luật GDĐH hầu như không quy định về nhiệm kỳ của hiệu trưởng, chỉ quy định thời gian giữ chức vụ hiệu trưởng là do hội đồng trường quyết định trong nhiệm kỳ của hội đồng trường, mà nhiệm kỳ của hội đồng trường là 5 năm. Cho nên hội đồng trường có thể quyết định một ông hiệu trưởng nào đó, lần đầu tiên bổ nhiệm 1 năm, sau 1 năm có thể đánh giá lại, thấy ông ấy tốt, có thể tiếp tục bổ nhiệm 3 năm hay 4 năm nữa, nghĩa là điều này hoàn toàn do hội đồng trường quyết định. Hội đồng trường chỉ có nhiệm kỳ 5 năm và họ chỉ được quyết định nhân sự trong nhiệm kỳ của mình. Luật không có quy định về nhiệm kỳ cố định hay giới hạn về nhiệm kỳ hiệu trưởng, mà là sẽ do quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường quy định. Còn thời gian giữ chức vụ của một hiệu trưởng cụ thể nào đó sẽ do hội đồng trường quyết định.
Luật GDĐH chỉ có phạm vi điều chỉnh nhất định, và một cá nhân, một tổ chức trong quá trình tồn tại sẽ thiết lập rất nhiều mối quan hệ pháp luật, liên quan tới luật nào sẽ do luật đó điều chỉnh, chứ không phải cái gì của trường ĐH cũng do luật GDĐH điều chỉnh. Vấn đề công chức, viên chức do lĩnh vực luật hành chính điều chỉnh; về quản lý sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước sẽ do luật quản lý sử dụng tài sản công, luật ngân sách điều chỉnh; luật đất đai sẽ điều chỉnh những vấn đề liên quan tới đất đai.

Nhiều luật khác chi phối hoạt động của trường ĐH

Trước thời điểm luật GDĐH 2018 có hiệu lực đã xảy ra vụ mâu thuẫn giữa một trường ĐH công với cơ quan chủ quản. Liệu luật GDĐH 2018 có giải quyết được mối quan hệ này?
Liên quan đến mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản với nhà trường, vai trò của các bên trong vấn đề xây dựng tổ chức của nhà trường, chúng tôi vẫn nhận thấy mọi việc đã được bao quát trong luật. Điều 16 luật GDĐH đã sửa đổi quy định, quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường sẽ phải quy định về việc hội đồng trường xác định nhân sự hiệu trưởng trong quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Như vậy, luật GDĐH không thể làm thay những hướng dẫn, nói cách khác là không thể phủ nhận những hướng dẫn của cơ quan Đảng, không phủ nhận được luật Công chức viên chức (là một lĩnh vực chuyên ngành đối với trường ĐH công). Vì vậy, quy trình bổ nhiệm cán bộ đối với trường ĐH công được quy định bởi những luật hiện hành, thì quy chế tổ chức hoạt động của trường phải tính đến tất cả những quy định mà nhà trường bị chi phối, phải xác định quy trình, nhân sự phù hợp với các luật.
Hiện nay, luật Công chức viên chức cũng đang thay đổi để phù hợp với Nghị định 19 đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, dần dần nó cũng sẽ thay đổi theo hướng luật GDĐH đã thay đổi trước, tức là ngày càng giảm vai trò của cơ quan chủ quản đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường ĐH công.
Sẽ có hướng dẫn thế nào để giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan đại diện nhà nước và nhà trường trong bối cảnh trường được tự chủ?
Như ban đầu tôi đã nói, luật GDĐH không phải điều chỉnh mọi hoạt động của trường ĐH. Về vấn đề này, hiện có 2 luật chi phối chủ yếu, là luật Quản lý sử dụng tài sản công và luật Ngân sách. Trong các luật này quy định khá rõ các nội dung liên quan tới quan hệ giữa cơ quan đại diện nhà nước và đơn vị sự nghiệp tự chủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.