Giảm điện mặt trời, vì sao?

05/03/2022 07:09 GMT+7

Trong ý kiến về dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8) mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng công suất điện mặt trời giai đoạn 2031 - 2045 tại dự thảo Quy hoạch điện 8 còn quá cao và cần giảm bớt.

Điều này gây bất ngờ cho rất nhiều người, vì trước đó Việt Nam khuyến khích năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời, điện gió.

Nhiều dự án điện gió trong đất liền cũng được phát triển mạnh thời gian qua

CTV

Tăng điện gió ngoài khơi

Cụ thể, theo tờ trình của Bộ Công thương ngày 21.2, tổng công suất nguồn đạt đến năm 2030 là 146.000 MW, giảm 9.000 MW so với bản trình của Bộ vào tháng 11.2021. Đến năm 2045, quy mô nguồn điện sẽ là 352.000 MW.

Liên quan công suất điện mặt trời giai đoạn 2031 - 2045 theo tính toán chiếm khoảng 25% cơ cấu công suất nguồn điện giai đoạn này, Phó thủ tướng cho rằng quá cao và yêu cầu Bộ Công thương rà soát nghiên cứu chuyển đổi năng lượng theo hướng sẽ giảm các nhà máy nhiệt điện, giảm quy mô nguồn điện mặt trời, tăng nguồn điện gió ngoài khơi cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả.

Ngoài ra, thông báo cũng nêu rõ, để bảo đảm hiệu quả của nền kinh tế, đề nghị Bộ Công Thương cần nêu rõ các vấn đề xin ý kiến Thường trực Chính phủ theo quy định, trong đó có việc đưa ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 các nguồn điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh nhưng chưa triển khai (khoảng 6.500 MW). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương báo cáo thêm phương án chuyển đổi năng lượng các dự án nhiệt điện sang điện khí hoặc năng lượng tái tạo. Tính khả thi khi chấm dứt cam kết với nhà đầu tư các dự án này thế nào. Quy hoạch điện 8 đã được Bộ Công thương trình Chính phủ dự thảo lần đầu vào tháng 3.2021, và đến nay đã qua nhiều lần họp, góp ý kiến, chỉnh sửa… nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công thương khi xây dựng đề án Quy hoạch điện 8 (giai đoạn 2021 - 2030, có tính tới năm 2045), tại Quyết định 428/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, có 98 dự án với tổng công suất 57.535 MW được nêu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, đã có thêm 384 dự án hoàn toàn mới với tổng công suất 51.552 MW được bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó, có đến 190 dự án điện gió với tổng công suất 11.860 MW và 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.450 MW được bổ sung.

Sắp tới không còn giá ưu đãi FIT cho các dự án năng lượng tái tạo nữa, thay vào đó là giá đấu thầu. Tôi tin rằng, Chính phủ bằng những chính sách điều chỉnh hợp lý, điện gió ngoài khơi sẽ hấp lực nhà đầu tư lớn nước ngoài trong tương lai.

Ông Trần Viết Ngãi (Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam)

GS-TS Trần Đình Long, Viện Điện lực Việt Nam, ủng hộ việc tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, giảm dần năng lượng gây ảnh hưởng môi trường như nhiệt điện trong Quy hoạch điện 8. Thế nên, ý kiến của Phó thủ tướng theo ông là hợp lý vì giảm điện mặt trời nhưng tăng điện gió và đặc biệt tiến đến thay thế chuyển đổi nhiệt điện sang điện khí là tầm nhìn dài hạn đáng lưu ý.

“Ý kiến của Phó thủ tướng nằm trong chiến lược chung mà trước đó, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng đã công bố cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050. Việc phát triển điện gió hay điện mặt trời đều là năng lượng tái tạo, nên được ưu tiên như nhau”, ông nói.

Vốn đầu tư lớn

Tuy nhiên, phân tích 2 loại năng lượng tái tạo này, GS Trần Đình Long cho rằng so về lợi thế thời gian phát điện thì điện gió chiếm ưu thế hơn. Nếu điện mặt trời chỉ phát điện được ban ngày, ban đêm không có nắng là chịu trong khi điện gió có thể phát điện được cả ngày lẫn đêm, thậm chí về đêm, nguồn điện phát được mạnh hơn cả ban ngày.

“Về phương diện ổn định, điện gió ổn định hơn. Ngoài ra, điện gió có thể xây dựng tại bất kỳ chỗ nào có luồng gió ổn định và thường xuyên. Đặc biệt có thể xây dựng ngoài khơi, ngoài vùng thềm lục địa biển, không chiếm diện tích đất, không gây hại các vấn đề về môi trường sau thời gian khai thác như các tấm pin năng lượng mặt trời”, GS Trần Đình Long phân tích dù lưu ý, đầu tư điện gió ngoài khơi “khó hơn rất nhiều” so với điện mặt trời.

Ông Long phân tích, đầu tư điện gió đòi hỏi nguồn vốn cao hơn, chi phí đắt gấp đôi gấp ba, dẫn đến giá thành điện gió cao hơn gây khó thu hút đầu tư. Điện gió trong đất liền phức tạp hơn nếu cánh quạt điện gió đang chạy bị đứt gãy… Về tính phổ biến và khả năng tiếp cận thì năng lượng điện mặt trời dễ tiếp cận hơn vì có thể ứng dụng vào các thiết bị nhỏ.

“Trong thời gian qua, nhờ điện mặt trời mà chúng ta bảo đảm được đầy đủ nguồn cung và an ninh năng lượng. Với điện gió, không phải vì ngại đầu tư phức tạp mà để cơ cấu nguồn điện gió so với điện mặt trời trong quy hoạch quá chênh lệch. Về lâu dài, đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi là chiến lược bền vững, không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng mà an ninh quốc gia nữa. Về an toàn năng lượng thì năng lượng tái tạo nói chung cần được chú trọng như nhau”, GS Long nhận xét.

Thực tế, trong vài năm qua, điện mặt trời nói riêng và điện mặt trời mái nhà đã phát triển “nóng” tại một số địa phương, khiến đường truyền tải quá tải, buộc ngành điện phải giảm phát điện. Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành đã giảm phát điện từ các dự án đầu tư điện mặt trời áp mái lên đường truyền tải, gây thiệt hại cho nhà đầu tư… “Đầu tư điện, song song đầu tư đường truyền tải cần được chi tiết hóa và hợp lý hóa trong Quy hoạch sắp tới”, ông Long đề xuất.

Cần chính sách thu hút vốn ngoại

TS Nguyễn Dáo, giảng viên khoa Điện - Điện tử (Trường đại học Tôn Đức Thắng), nhận định như vậy bởi điện gió trên đất liền và điện mặt trời áp mái nói chung đều gây tốn nhiều diện tích. Trong nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta đã dùng nhiều đất nông nghiệp để làm dự án điện mặt trời. Có những dự án lớn, phủ cả hàng ngàn héc ta đất tại các vùng có độ bức xạ mặt trời cao ở khu vực miền Bắc Trung bộ, miền Tây Nam bộ và Tây nguyên. Thực tế, đầu tư điện mặt trời có thời điểm lên cao quá, gây dư thừa…

“Việc giảm điện mặt trời, tăng điện gió ngoài khơi, nếu làm được là điều tuyệt vời, bởi nó có nhiều lợi ích kinh tế, an ninh quốc phòng. Hiện đầu tư điện gió trong đất liền cao gấp đôi điện mặt trời, đất đai để chôn các trụ quạt điện gió cũng rất lớn. Chưa kể nếu gặp sự cố như rơi gãy cánh thì độ nguy càng tăng. Đầu tư điện gió ngoài khơi chi phí cao gấp 1,5 - 2 lần trong đất liền nhưng lợi thế của điện gió ngoài khơi là luồng gió rất mạnh, không tốn đất, có thể đầu tư các tua bin lớn. Đặc biệt, chỉ cần có một dự án ngoài vùng thềm lục địa, việc xác định chủ quyền, bảo vệ vùng biển của Việt Nam được tăng cao, mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vì dự án đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, nên trong quy hoạch cần nêu rõ, bên cạnh đó cũng phải có các chính sách về giá để thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, vị này phân tích.

Chuyên gia năng lượng Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi lớn tầm cỡ nào cả. Dự án cách bờ 20 km hoặc xa hơn là 50 km, trong khuôn viên thềm lục địa của quốc gia hiện chưa có. Vì thế, phải nỗ lực thu hút mời gọi được những dự án quy mô tầm vóc lớn thì ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ có bước tiến dài trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.