Giám đốc chỉ đạo nhân viên phá rừng lãnh án 12 năm tù

22/10/2018 15:51 GMT+7

Giám đốc và Đội trưởng đội xe máy Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo (ở Bình Định) cùng 9 nông dân khác đã phá 64,1 ha rừng, lãnh án tổng cộng 81 năm tù.

Ngày 22.10, TAND tỉnh Bình Định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại xã An Hưng, H.An Lão, Bình Định và đã tuyên phạt 9 bị cáo với mức án 81 năm tù giam do có hành vi phá 64,1 ha rừng.
HĐXX cũng buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại cho chủ rừng (UBND xã An Hưng) tổng số tiền hơn 4,79 tỉ đồng.
Cụ thể, từ tháng 7 - 9.2017, ông Lê Văn Thiệt (56 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, gọi tắt là Công ty Thương Thảo) đã chỉ đạo ông Nguyễn Văn Ri (43 tuổi, nguyên Đội trưởng đội xe máy Công ty Thương Thảo) thuê nhân công phá 37,5 ha rừng sản xuất tại xã An Hưng (trữ lượng rừng bị thiệt hại là 2.868 m3), gây thiệt hại 1,94 tỉ đồng.
Ông Thiệt bị tuyên phạt 12 năm tù giam, ông Ri bị tuyên phạt 11 năm tù giam.
Từ tháng 7.2015-8.2017, nhóm Lê Hồng Đức (41 tuổi), Lê Xuân Hậu (32 tuổi), Nguyễn Nguyên Thực (34 tuổi) và Võ Dần (69 tuổi, cùng ở xã Hoài Sơn, H.Hoài Nhơn, Bình Định) đã phá 17,8 ha rừng chức năng phòng hộ (trữ lượng rừng bị thiệt hại là 1.791,7 m3), gây thiệt hại 1,93 tỉ đồng. HĐXX đã tuyên án bị cáo Hậu 10 năm tù giam, Lê Hồng Đức 9 năm tù giam, Võ Dần và Nguyễn Nguyên Thực cùng lãnh án 8 năm tù giam.
Rừng tại xã An Hưng bị tàn phá ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Từ tháng 8.2016 - 8.2017, nhóm Văn Ngọc Triển (49 tuổi) và Nguyễn Cứ (54 tuổi, cùng ở xã Hoài Sơn) phá gần 7 ha rừng (trong đó có 6,21 ha rừng phòng hộ và 0,78 ha rừng sản xuất, trữ lượng rừng bị thiệt hại 676 m3), gây thiệt hại hơn 714 triệu đồng. Hai bị cáo này đều lãnh án 8 năm tù giam.
Từ tháng 3 - 8.2017, ông Phan Dễ (58 tuổi, ở xã Hoài Sơn) đã phá hơn 1,85 ha rừng (trữ lượng rừng bị thiệt hại là 186 m3), gây thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Ông Dễ bị tuyên phạt 7 năm tù giam.
Có hay không việc vi phạm luật tố tụng?
Tại phiên tòa, ông Lê Văn Thiệt cho rằng chủ rừng và các cơ quan bảo vệ rừng không làm tròn trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng. “Nếu chủ rừng và các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, sớm ngăn chặn thì bị cáo sẽ không vi phạm pháp luật nghiêm trọng như ngày hôm nay”, ông Thiệt nói.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Ri và luật sư bào chữa cho Lê Xuân Hậu đều cho rằng hồ sơ vụ án vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự do các bị cáo không được tham gia trong quá trình giám định thực tế rừng bị phá rừng. Hai luật sư này đều cho rằng mức giá đưa ra khi giám định rừng để xác định mức độ thiệt hại cao hơn các tỉnh khác.
Bị cáo Lê Văn Thiệt ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Luật sư bào chữa cho bị cáo Ri cho rằng với vai trò là nhân viên Công ty Thương Thảo, bị cáo này chỉ làm theo sự chỉ đạo của giám đốc công ty là ông Lê Văn Thiệt nên không thể là đồng phạm cùng với ông Thiệt. Vì vậy, luật sư này đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu tiếp tục xét xử phì phải áp dụng điều khoản giảm nhẹ cho bị cáo Ri.
Đại diện Viện KSND tỉnh Bình Định tranh luận rằng không phải vụ án nào cũng đưa bị cáo, nhân chứng đi thực tế giám định hiện trường. Trong vụ án này, diện tích rừng bị phá rất lớn nên chỉ dùng phương pháp định vị GPS để xác định diện tích thiệt hại. Đại diện Viện KSND tỉnh Bình Định cũng cho rằng đối với tội hủy hoại rừng chỉ căn cứ vào diện tích rừng bị phá để định tội, còn định giá là để tính bồi thường thiệt hại.
Theo đại diện Viện KSND, trong quá trình chỉ đạo phát rừng, ông Thiệt không nói với ông Ri là rừng chưa được cấp phép nhưng ông Ri là Đội trưởng đội xe máy của Công ty Thương Thảo có nhiệm vụ chuyên môn là trồng rừng, khai thác rừng cho công ty nên phải biết khu vực rừng mà công ty chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, ông Ri vẫn thuê người phát rừng nên phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với ông Thiệt với vai trò là người trục tiếp phạp tội.
HĐXX nhận định rằng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định, điều tra viên, Viện KSND tỉnh Bình Định trong quá trình điều tra, truy tố vụ án đã thực hiện đúng thẩm quyền, đúng trình tự, quy định, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo và những người có quyền lợi liên quan không có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng do đó không xem xét việc có vi phạm luật tố tụng hình sự hay không.
Đây là lần thứ 3, vụ án hủy hoại rừng tại xã An Hưng được đưa ra xét xử. Lần đần tiên vào ngày 28.6, HĐXX đã hoãn phiên tòa do vắng mặt nhân chứng và người bào chữa cho bị cáo. Chiều 24.7, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu của các bị cáo về việc trả lại hồ sơ vụ án để tiếp tục điều tra bổ sung về vấn đề giám định lại giá trị thiệt hại và xác định lại diện tích rừng mà các bị cáo đã phá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.