Không thể truy tố hình sự vì bào thai không phải trẻ em, cũng không phải bộ phận cơ thể người
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu phân tích, hiện nay, tình trạng mua bán bào thai, sử dụng bóng cười, shisha (còn gọi là thuốc Ả rập) diễn ra ở rất nhiều nơi nhưng việc xử lý còn rất hạn chế. Theo đó, hoạt động sản xuất, mua bán, sử dụng những thứ nói trên tính chất nguy hiểm cho xã hội là rất lớn, nhưng các cơ quan chức năng còn rất lúng túng trong việc xử lý.
“Nguyên nhân chủ yếu là khoảng trống trong quy định pháp luật, lỗ hổng trong quản lý nhà nước và thiếu vắng các chế tài xử phạt”, đại biểu Nghệ An phân tích, và chỉ rõ một trong những “khoảng trống” là mua bán bào thai, kinh doanh bóng cười, shisha chưa được pháp luật về đầu tư quy định là ngành nghề cấm kinh doanh, hoặc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Liên quan tới tình trạng mua bán bào thai, đại biểu Cầu cho biết, từ kỳ họp 6 năm 2018, tại Quốc hội, ông đã phản ánh tình trạng một số đối tượng buôn người, tổ chức cho phụ nữ người dân tộc, miền núi mang thai từ tháng 7 - 8 sang nước ngoài chờ sinh con, rồi bán con cho các đối tượng nước sở tại.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm hại tới bào thai, trẻ sơ sinh mà còn để lại hậu quả thương tâm cho người mẹ, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Tuy nhiên, điểm "khó khăn" trong xử lý của cơ quan chức năng, theo ông Cầu, là quá trình điều tra, cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, bào thai không phải là một bộ phận của cơ thể người, cũng chưa phải là là trẻ em. Do đó, không thể áp dụng các quy định về tội mua bán trẻ em dưới 16 tuổi, hay tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người trong bộ luật Hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Đây là nguyên nhân làm cho hành vi mua bán bào thai diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng”, ông Cầu phân tích, từ đó đề nghị bổ sung việc cấm kinh doanh hoạt động kinh doanh bào thai vào luật Đầu tư làm tiền đề bổ sung, sửa đổi bộ luật Hình sự.
Cấm kinh doanh bóng cười, shisha để đảm bảo sức khỏe cho người dân
Về sử dụng bóng cười, ông Cầu cho biết, loại bóng này được bơm hóa chất có công thức hóa học là N20 có tên là khí cười, không phải ma túy hay tiền chất ma túy song là hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong sản xuất công nghiệp và chỉ được dùng trong y học với sự hướng dẫn của người có trình độ chuyên môn.
Theo ông Cầu, trong các vũ trường, nhà hàng, quán bar, việc hít bóng cười đang trở thành trào lưu giải trí, tiêu khiển của một bộ phận thanh thiếu niên học sinh, sinh viên. “N20 khi hít vào cơ thể có thể gây kích thích thần kinh. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng như ngạt thở, tê liệt chân tay, trầm cảm thậm chí có nguy cơ tử vong”, ông Cầu thông tin.
Tuy nhiên, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết, trong khi tác hại của loại bóng cười này rất lớn thì việc sản xuất sử dụng bóng cười lại quá dễ dàng và nếu không ngăn chặn sẽ để lại hậu quả khó lường.
Tương tự, theo ông Cầu, shisha đang được buôn bán, kinh doanh trôi nổi trên thị trường với nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc. Hút shisha được ưa chuộng, trở thành một trào lưu "hot", thể hiện đẳng cấp, độ ăn chơi trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Ông Cầu cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới và Hội Ung thư Mỹ thì hút shisha gấp 100 - 200 lần lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với thuốc lá. Do đó, tình trạng hút shisha dễ bị gây nghiện, có nguy cơ bị mắc ho lao, ung thư phổi, ung thư vòm họng, hoặc trụy tim mạch.
Từ đó, ông Cầu cho rằng, shisha cũng cần phải đưa vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh trong luật Đầu tư đang được Quốc hội thảo luận.
Bình luận (0)