Giám đốc Facebook Việt Nam: Thành công từ khát khao hát cùng Michael Jackson

13/05/2018 16:31 GMT+7

Ngày 13.5, nói chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, chị Lê Diệp Kiều Trang, tân giám đốc Facebook Việt Nam, đã chia sẻ rất nhiều điều về bản thân cũng như cách lựa chọn công việc.

Đây là buổi tọa đàm "Khát vọng tương lai" do ĐH Quốc gia tổ chức với sự tham gia trao đổi của ông Phạm Phú Ngọc Trai - người sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), ca sĩ Hà Anh Tuấn và chị  Lê Diệp Kiều Trang - tân Giám đốc Facebook Việt Nam. 

Quan trọng là mỗi ngày trưởng thành hơn 

Chị Trang kể lại: "Cuộc đời có từng giai đoạn. Khi tầm nhìn mở ra, khát khao sẽ có thay đổi. Khát khao lớn và đầu tiên của tôi là vào năm 1993, được đi hát cùng Michael Jackson. Một đứa bé 13 tuổi có ấn tượng lớn nhất là khi đến phi trường Thái Lan, xe đẩy hành lý đầy nhà ga, xe đẩy ở phi trường Tân Sơn Nhất lúc này ít vô cùng. Khi đến Bangkok, đường sá kẹt xe và nhà cao tầng khắp nơi. Cả một tháng sau khi về, nằm mơ tôi còn thấy mình ở bên đó. Nhưng từ đó tôi có một thôi thúc rất rõ là muốn ra nước ngoài, đi du học. Bên ngoài Việt Nam là thế giới rất khác, hiện đại, có rất nhiều cơ hội. Không có chuyến đi đó, tôi không nghĩ quyết liệt đến như vậy để tìm học bổng du học. May mắn là 5 năm sau đó tôi tìm được học bổng đi du học. Nhưng nếu không có sự tiếp xúc sớm trong cuộc đời như chuyến đi này, dù cũng muốn đi du học nhưng tôi sẽ không nghĩ nó quan trọng, không nghĩ nó sẽ mở ra cho tôi được nhiều cánh cửa".

Chị Trang cho biết câu chuyện đó dẫn đến câu chuyện hội nhập quốc tế. Những thành công của chị có được không hẳn là do giỏi giỏi. Nhiều  học sinh giỏi hơn nhiều từ các trường phổ thông. Nhưng cơ hội tiếp xúc thế giới bên ngoài từ từ giúp chị mở hết cánh cửa này đến cánh cửa kia. Nó cho chị tầm nhìn và sau đó là sự cố gắng, làm chị quyết tâm hơn trong những khát khao. Chuyến đi hát cùng Michael Jackson là khát khao đầu tiên của chị và dẫn ra những khát khao sau này.

Chị Trang cũng cho biết lúc trước làm các công ty, rồi ra ngoài khởi nghiệp, hiện tại lại làm thuê cho Facebook. Việc làm thuê hay làm chủ không quan trọng. Quan trọng là chúng ta làm sao mỗi ngày trưởng thành hơn và làm được nhiều điều hơn. Môi trường làm thuê hay làm chủ chỉ liên quan sự tứ ái của mình.

Các diễn giả chụp hình cùng sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Đăng Nguyên

Đừng chạy theo khởi nghiệp với mong muốn làm giàu

Nói về khởi nghiệp, chị Trang cho rằng: "Bản chất khởi nghiệp là gì? Khi nào nên làm thuê? Khi nào nên khởi nghiệp? Câu hỏi rất quan trọng là bạn nghĩ bạn giỏi gì và yêu thích gì để chọn con đường dễ đi nhất. Nếu yêu thích mà không giỏi thì cũng khó. Nếu giỏi mà không yêu thích thì đi chừng 4-5 năm, sẽ đi đến giai đoạn “khủng hoảng giữa chừng” vì không đủ lòng yêu quý công việc mình di tới cùng".

Có một vài phần trăm người phù hợp khởi nghiệp và nên theo khởi nghiệp. Đó là những người có một ý tưởng mà tin rằng có thể thay đổi được thị trường, chủ động để đẩy ý tưởng đi thật nhanh. Còn lại, hầu hết mọi người chưa có ý tưởng như vậy. Cũng đừng nên chạy theo khởi nghiệp với lòng mong mỏi là làm giàu. Như vậy không đủ để khởi nghiệp vì phần trăm thất bại rất lớn. Có nhiều con đường chắc chắn hơn và nhiều khi phù hợp hơn. Thêm vào đó, ý tưởng sẽ khó thành công, doanh nghiệp sẽ chỉ làng nhàng hoặc thất bại. Làm khởi nghiệp phải bắt đầu từ suy nghĩ là có khả năng nào đó để thay đổi thị trường.

Thành công sớm chưa chắc may mắn bằng người thất bại sớm 

Sinh viên đặt câu hỏi làm sao xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn? Chị Trang cho rằng trong giai đoạn sinh viên, cái hay nhất và quan trọng nhất là đặt câu hỏi hay, đừng vội tìm câu trả lời. Vì chưa có đủ thông tin trả lời. Đặt câu hỏi hay mới tập trung điều quan trọng nhất với chính mình. Nó giúp mình luôn luôn không hài lòng với câu trả lời, tìm thông tin để câu trả lời càng đúng. Ở ĐH, các bạn còn mới mẻ, chọn ngành nhưng chưa biết nhiều về ngành đó. Nên đặt kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn lúc này vẫn còn mông lung. Quan trọng là làm sao trong lòng vẫn thôi thúc là mình sống có ý nghĩa. Đừng dừng lại ở câu trả lời nào đó quá sớm mà tìm tòi, trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh cãi với nhiều người khác nhau.

Chị Trang khẳng định: "Điều các bạn chưa có không phải là sự thông minh mà là sự trải nghiệm. Các bạn có thể có trải nghiệm sớm bằng cách hỏi, nghe câu chuyện người khác, sống kinh nghiệm người khác… Càng nhiều sự khôn ngoan như vậy sẽ giúp các bạn có những quyết định khôn ngoan sớm hơn trong cuộc sống. Không có nghĩa các bạn không có thất bại nhưng  sự thất bại đó quý hơn thành công, giúp mình định hình những  mảng nào học hỏi, mảng nào không muốn đụng vào. Sau này các bạn sẽ đi nhanh hơn. Thành công sớm cũng là điều may mắn, nhưng chưa chắc may mắn bằng những người thất bại sớm". 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.