Điều lạ lùng về tư pháp này tạo cảm nhận có sự thiên vị nào đó. Động thái của tòa án xuất phát từ lý do không thể không xét xử vụ việc liên quan đến bà Lagarde theo pháp luật nhưng không muốn bà Lagarde mất vị trí đang nắm giữ trong IMF.
Chứng cứ về sự vi phạm pháp luật của bà Lagarde thời còn là bộ trưởng Tài chính Pháp đã quá rõ ràng nên tòa không thể tuyên vô tội. Nhưng nếu phải chịu án phạt thì nữ giám đốc không còn lựa chọn nào khác ngoài từ chức.
Người tiền nhiệm của bà Lagarde là ông Dominique Strauss-Kahn, cũng là người Pháp, đã phải từ chức vì vụ án tình dục năm 2011. Giờ đây, nếu bà Lagarde cũng “ngã ngựa” thì làm sao nước Pháp có thể một lần nữa có được đại diện của mình trong cương vị đứng đầu IMF. Cho nên phán xử theo kiểu “phạm pháp nhưng không bị trừng phạt” của tòa trong vụ việc này là điều có thể dự đoán được.
Tuy nhiên, bà Lagarde và cả IMF từ nay không thể tránh khỏi tai tiếng. Tổ chức này bây giờ đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về số phận của bà Lagarde. Nếu giữ bà thì IMF phải chấp nhận hình ảnh có người đứng đầu bị phán quyết là phạm pháp. Nhưng nếu buông rơi thì sẽ lại tiếp tục cái dớp tai tiếng và bê bối của những vị giám đốc điều hành. Bà Lagarde có thể chỉ mang tiếng nhưng vẫn giữ được miếng trong khi IMF rất có thể sẽ mất cả hai.
Bình luận (0)