Theo The Guardian, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 13.4 cảnh báo rằng việc các nền kinh tế toàn cầu tập trung vào việc bảo vệ chuỗi cung ứng đang có nguy cơ dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Bà Georgieva chỉ ra rằng đại dịch Covid-19, xung đột ở Ukraine và những thiếu sót trong quá trình toàn cầu hóa đã dẫn đến sự chia rẽ nguy hiểm giữa các nền kinh tế.
"Sau Covid-19 và xung đột, an ninh của nguồn cung và việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục hoạt động đang được ưu tiên cao hơn trong các cuộc thảo luận và quyết sách kinh tế", bà Georgieva phát biểu trong họp báo sau cuộc họp mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới ở Washington (Mỹ) ngày 13.4.
Phát biểu được đưa ra sau khi bộ trưởng Tài chính của các nước G7 - gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý và Canada - nhóm họp tại Washington ngày 12.4. G7 muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách xây dựng các chuỗi cung ứng thay thế. Theo tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng G7 cam kết trao cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vai trò lớn hơn trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giúp chúng trở nên linh hoạt và bền vững hơn.
"Chúng ta phải nhận ra rằng không thể xem hòa bình là điều hiển nhiên. Chiến dịch quân sự của Nga không chỉ là một thảm kịch đối với người dân Ukraine mà còn là một thảm kịch đối với cộng đồng toàn cầu. Chi tiêu quốc phòng đã tăng lên, cổ tức hòa bình đã biến mất. Toàn cầu hóa thì đang không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và không tập trung vào những nhóm bị bỏ rơi hoặc tụt lại phía sau", bà Georgieva nói.
Giám đốc Georgieva, người sinh ra ở Bulgaria, cho biết vì đã sống sau Bức màn Sắt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bà không muốn điều này lặp lại. "Tôi là một trong số những người biết hậu quả của một cuộc Chiến tranh Lạnh".
"Liệu chúng ta có thể tăng cường an ninh nguồn cung mà không đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới? Tôi nghĩ điều đó là có thể", giám đốc IMF kêu gọi.
Giá dầu tăng do OPEC bất ngờ giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày, Mỹ phản ứng
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết ông chia sẻ những lo ngại của bà Georgieva. Tuy nhiên, ông Hunt cũng nói việc các nước mong muốn đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng là điều dễ hiểu.
"Bài học của cuộc xung đột ở Ukraine là việc phụ thuộc vào Nga về vấn đề năng lượng là một điều tồi tệ và có lẽ là một sai lầm", ông Hunt nói.
Bộ trưởng Hunt nói thêm các quốc gia cũng đang lo ngại về việc phải phụ thuộc vào công nghệ và khoáng sản quan trọng.
Bình luận (0)