Giám đốc IMF thúc giục các nước nghiên cứu tung tiền mã hóa riêng

15/11/2018 10:30 GMT+7

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa lên tiếng cho hay ngân hàng trung ương các nước nên xem xét phát hành tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa) chính thức.

Cụ thể, trong bài phát biểu chuẩn bị cho sự kiện công nghệ tài chính Singapore Fintech Festival hôm 14.11, bà Lagarde cho hay: “Tôi tin rằng chúng ta nên xem xét khả năng phát hành tiền kỹ thuật số. Nhà nước có thể đóng vai trò cung cấp tiền cho nền kinh tế kỹ thuật số. Dù tiền kỹ thuật số không phổ biến toàn cầu, chúng ta nên tìm hiểu thêm về nó một cách nghiêm túc, cẩn thận và sáng tạo”.
Sếp IMF bổ sung rằng nhiều ngân hàng trung ương đang “nghiêm túc” xem xét việc phát hành tiền mã hóa, trong đó có Canada, Trung Quốc, Thụy Điển và Uruguay. “Họ đang đón nhận sự thay đổi và lối nghĩ mới, hệt như IMF”, bà Lagarde nói.
Bloomberg xác nhận nhiều nhà hoạch định chính sách từ Uruguay cho đến Canada đang nghiên cứu ý tưởng tung tiền mã hóa. Ngân hàng trung ương Thụy Điển Riksbank hồi tháng trước tuyên bố họ sẽ khởi động dự án thí điểm phát triển tiền điện tử từ năm sau.
Nhiều nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng ít dùng tiền mặt trong bối cảnh thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc thậm chí ứng dụng trên điện thoại di động được dùng làm phương thức thanh toán phổ biến. Tháng trước, báo cáo của Bloomberg Intelligence cho hay nhiều ngân hàng trung ương cuối cùng có thể làm tổn thương giá trị bitcoin và nhiều đồng mã hóa khác bằng cách phát hành đồng mã hóa riêng.
Bà Lagarde lưu ý rằng các đồng mã hóa phổ biến nhất như bitcoin, ethereum và XRP (ripple) đang “cạnh tranh để có vị thế trong xã hội không dùng tiền mặt, liên tục tái phát minh bản thân với kỳ vọng mang lại giá trị ổn định hơn và giúp thanh toán nhanh hơn, rẻ hơn”.
Dù ghi nhận mặt tích cực của các đồng kể trên, IMF lần nữa chỉ trích quan điểm cho rằng tiền mã hóa đại chúng là giải pháp thay thế cho tiền mã hóa do ngân hàng trung ương phát hành. Trong báo cáo có tựa “Casting Light on Central Bank Digital Currency”, IMF cho hay “tiền mã hóa khác nhau theo nhiều chiều và chật vật để đáp ứng đầy đủ các chứng năng của tiền tệ, một phần vì định giá thất thường”.
Báo cáo đánh giá nhiều hình thức tiền tệ khác nhau như tiền mặt, tiền mã hóa, tiền điện tử cá nhân và tiền gửi ngân hàng thương mại để kết luận: “Tiền mã hóa là lựa chọn ít hấp dẫn nhất”. Tiền mã hóa nhận điểm thấp trong mục tốc độ giải quyết, thanh toán vì “giới hạn công nghệ hiện thời”, dù yếu điểm này cuối cùng có thể được khắc phục.
Dù tiền mã hóa còn tồn đọng không ít vấn đề, nghiên cứu về nó vẫn nên được tiếp tục, IMF nhận định. Trong bài phát biểu, bà Lagarde nói thêm dù tiền mã hóa đem lại nhiều lời hứa tuyệt vời về mặt tài chính, cung cấp sự riêng tư trong thanh toán song nó cũng có khả năng gây rủi ro cho tính toàn vẹn, tính ổn định của tài chính.
“Loại tiền này có thể tốt cho người dùng, xấu cho tội phạm và tốt hơn cho nhà nước nếu so sánh với tiền mặt. Hẳn nhiên, nhiều thách thức vẫn còn đó. Mục tiêu của tôi ở thời điểm này là khuyến khích nghiên cứu, tìm hiểu”, giám đốc IMF kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.