Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam: Cần chút mạo hiểm và thật sự vững

29/10/2018 07:15 GMT+7

Sau hơn 4 năm kể từ ngày Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam, cùng số cộng sự ít ỏi người Việt bắt tay gầy dựng Grab Việt Nam, công ty đã phát triển với một tốc độ chóng mặt.

Đa số mọi người cho rằng họ chỉ có thể phát huy năng lực khi có áp lực, nhất là áp lực tự thân mỗi người, phải chứng tỏ được bản thân với mọi người xung quanh, với xã hội. Điều này đúng, và cũng từng giúp tôi trong quá khứ. Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc phải nhìn nhận lực đẩy không phải lực duy nhất để giúp mình tiến về phía trước. Còn có lực hút. Tôi làm và quyết tâm làm vì thực sự muốn, vì tin những điều mình làm là tốt, là đúng, nếu làm được thì nhiều người sẽ được hưởng lợi. Lực hút có tính lâu dài và bền vững hơn.
Grab Việt Nam góp phần rất lớn trong việc thay đổi bức tranh giao thông tại Việt Nam.
Đặc biệt, với việc tiên phong phát triển thành công GrabBike ở Việt Nam, Nguyễn Tuấn Anh và đồng nghiệp đã giúp GrabBike Việt Nam trở thành hình mẫu cho các thị trường khác trong khu vực. Hiện anh đang giữ vai trò Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam và là cái tên Việt được nhắc đến khá nhiều trên thị trường ứng dụng đặt xe công nghệ.
"Ồ hay đấy, làm thôi"
Cơ duyên nào đưa anh đến với Grab?
Grab và tôi “gặp nhau” trên mạng Linkedin (mạng xã hội nghề nghiệp - PV). Grab muốn mở rộng thị trường sang Việt Nam, họ lên tìm người thấy tôi. Sau khi trao đổi, thấy hợp, công việc có ý nghĩa, phù hợp với mình, có tính thử thách cao tôi nhận lời.
Nghĩa là Grab để anh thử thách bản thân?
Thật ra, lúc đó tôi nhìn nhận đây là cơ hội quá tốt. Nếu thất bại thì mình học được bài học kinh doanh, còn nếu thành công thì quá tốt. Như thế mình có mất gì đâu, nhưng được thì lại được rất nhiều.
Anh là người đưa Grab vào Việt Nam, hay có thể nói, anh chính là người khai phá dịch vụ đặt xe công nghệ ở Việt Nam?
Nói như vậy hơi quá, tôi không dám nhận. Đơn giản chỉ là Grab cần vào Việt Nam, cần tìm một đối tác tin tưởng để có thể mở đường tại thị trường này và họ tìm tới tôi. Họ cần một người Việt để có thể nắm bắt thị trường, hiểu rõ người dùng và dám mạnh dạn mạo hiểm. Còn tôi, sau khi dùng thử dịch vụ của họ, tôi thấy “Ô, hay đấy” và nhận lời. Chuyện chỉ đơn giản thế thôi, việc thành lập công ty cũng bắt đầu từ vài thành viên ít ỏi và diễn tiến thế nào thì mọi người cũng thấy rồi.
Anh nghĩ điều gì ở anh khiến họ tin tưởng?
Chắc do họ thấy tôi dám mạo hiểm. Vì thời điểm đó, khi khái niệm ứng dụng đặt xe còn quá mới mẻ, một người bình thường sẽ cân nhắc quá nhiều khía cạnh của một vấn đề. Suy nghĩ nhiều quá sẽ không dám làm vì cái gì cũng thấy rủi ro, cũng thấy sợ. Còn tôi chỉ nghĩ đơn giản: “Hay đấy, làm thôi” và tập trung cao độ và thậm chí quyết liệt vào mục tiêu đề ra.
Vững tin vào những điều mình làm
Đi tiên phong có cái lợi là sự cạnh tranh chưa cao, dư địa để phát triển lớn. Tuy nhiên cái mới thì cũng gặp rất nhiều khó khăn để được thị trường chấp nhận. Trong quá trình đưa Grab vào Việt Nam, điều gì là khó khăn nhất với anh?
Chắc chắn khi làm cái gì mới, mình sẽ luôn luôn gặp sức cản từ nhiều phía. Từ thói quen người tiêu dùng, đối thủ, thị trường đến cơ quan chức năng. Khi thấy lạ, họ sẽ lúng túng và e ngại. Bản thân nhân viên trong công ty cũng vậy, cũng sợ không biết làm cái này có được hay không, có thành công hay không. Vì thế khó khăn nhất là cần có niềm tin vững chắc vào những điều mình làm và quyết tâm truyền tải niềm tin cho toàn bộ nhân viên trong công ty, để họ vượt qua những rào cản của tâm lý, cùng tin theo mình. Khi họ đã tin, họ sẽ giúp mình thuyết phục khách hàng. Rồi chính khách hàng sẽ giúp thuyết phục cơ quan chức năng để thay đổi quan điểm, cơ chế quản lý. Luồng đi phải bắt đầu từ người lãnh đạo.
Thực ra, đôi khi càng nhiều khó khăn càng chứng tỏ con đường mình đi là đúng. Nếu một chuyện gì quá dễ thì sẽ không ai cản mình. Không ai cản thì mình chẳng thay đổi gì, tức là mình đứng yên, không tạo ra giá trị nào. Ngược lại, khi mình thay đổi nhanh hơn tốc độ thay đổi của xã hội thì chắc chắn sẽ có lực cản. Lực cản chính là dấu hiệu nhận biết mình đang đi đúng hướng.
Những khó khăn của "người tiên phong" tạm thời khép lại, thị trường gọi xe hiện nay đã có thêm rất nhiều “tay chơi” mới, có thể nói là cuộc cạnh tranh bây giờ mới thực sự được châm ngòi?
Trong bất cứ thị trường nào, cạnh tranh luôn tốt. Càng nhiều đối thủ thì mình càng phải tự thúc đẩy mình làm tốt hơn nữa, vì nếu mình phục vụ khách hàng không tốt sẽ có người khác làm tốt hơn, làm thay mình. Nhưng không phải vì vậy mà mình chăm chăm nhìn vào họ. Phải tập trung công sức vào việc phục vụ khách hàng. Khách hàng mà bỏ mình qua đối thủ là tại mình. Tất nhiên việc giữ chân khách hàng, đối tác không phải chuyện dễ. Việc này đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực cao độ của toàn thể công ty, từ lãnh đạo đến nhân viên.
Cũng phải nhấn mạnh một điều: hầu hết mọi người đều đang chỉ nhắc đến Grab như một tay đua trên thị trường gọi xe nhưng bản thân chúng tôi không còn đơn thuần là một ứng dụng gọi xe nữa. Grab đang nhắm tới việc hoàn thiện một hệ sinh thái kết nối tất cả các dịch vụ từ di chuyển, ăn uống, bảo hiểm, y tế, tài chính, thanh toán… Như GrabFood đang phát triển rất mạnh ở TP.HCM, tháng 10 tới sẽ chính thức triển khai tại thị trường Hà Nội. Chúng tôi cũng vừa hợp tác chiến lược với Moca để thúc đẩy mảng thanh toán. Khi làm mảng thanh toán được tốt, người tiêu dùng sẽ chuyển đổi thói quen tiêu dùng từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt.
Với cương vị là Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam, anh có kế sách gì để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt mình?
Đầu tiên, phải hoàn thiện hệ sinh thái để người tiêu dùng thấy không dùng tiền mặt rất đơn giản, tiện ích. Nhưng tiện thôi chưa đủ, phải thấy lợi hơn họ mới chọn. Đó là việc của chúng tôi. Phải làm sao để người tiêu dùng thấy, cầm 1.000 đồng tiền mặt không có lợi bằng 1.000 đồng để trong ví Moca trên Grab vì để trên đó được ưu đãi. Mỗi giao dịch còn được cộng điểm gấp 3 lần so với tiền mặt. Khi người tiêu dùng nhận ra điều đó, họ sẽ để tiền nhiều trong ví điện tử, thanh toán nhiều. Khi đó, mình lại tiếp tục mở ra những dịch vụ tài chính tốt hơn. Grab đã thay đổi được thói quen gọi xe của người dùng nên tôi tin chắc với hệ sinh thái hoàn chỉnh, chúng tôi cũng sẽ làm được điều này.
Nói đến taxi công nghệ ở Việt Nam là nói đến Grab và ngược lại, giờ anh có thể tự hào về thành quả của mình rồi chứ?
Đúng là tôi và các đồng nghiệp đã phần nào hoàn thành được mục tiêu mà trước đây chúng tôi luôn hướng đến từ ngày đầu thành lập. Giờ đây nói đến đặt xe là người dân gọi Grab, cũng giống như Honda hay Coca-Cola... đã từng khẳng định thương hiệu. Grab không còn chỉ là một cái tên mà là một thói quen sinh hoạt của người dân, một phần trong cuộc sống hằng ngày của mọi người. Ở một thị trường lớn như thế này, chúng tôi tin rằng sự phát triển của Grab sẽ mang đến rất nhiều hiệu quả tích cực, mang lại lợi ích cho rất nhiều người. Đó mới là mục tiêu cao nhất mà chúng tôi hướng tới. 
* Nguyễn Tuấn Anh sinh năm 1982, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS). Anh từng là Giám đốc sản phẩm của Yahoo! tại Đông Nam Á và tham gia một số dự án khởi nghiệp công nghệ như Geeky, Metis hay Trường Xưa.
* Anh trở thành Giám đốc Grab Việt Nam vào năm 2014 và hiện là Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam.
* Tuấn Anh cũng là một trong những người Việt tiên phong phát triển dịch vụ xe ôm công nghệ tại thị trường Việt Nam. Mô hình GrabBike Việt Nam được xem là hình mẫu kinh doanh cho các thị trường khác của Grab trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.