Nhiều môn học thiếu giáo viên trầm trọng
Sáng 12.7, HĐND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa về thực trạng thiếu giáo viên; chất lượng dạy và học ngoại ngữ; hỗ trợ cho giáo viên và học sinh khu vực miền núi đối với các xã đã ra khỏi khu vực kinh tế đặc biệt khó khăn.
Trước khi các đại biểu chất vấn, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, đã thông tin về thực trạng thiếu giáo viên trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đang thiếu số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên cho toàn ngành giáo dục so với quy định là hơn 14.000 người. Trong đó, thiếu 10.256 giáo viên so với quy định của Bộ GD-ĐT. Giáo viên thiếu tập trung chủ yếu ở các bộ môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.
Theo ông Thức, tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm, gây không ít khó khăn cho công tác dạy và học của ngành giáo dục.
Các đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra nhiều câu hỏi, vấn đề, như: Tại sao chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục được giao nhưng đến nay vẫn không tuyển đủ số lượng giáo viên theo biên chế được giao? Vì sao lại thiếu giáo viên, và thiếu nhiều đến mức thuộc nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước? Biện pháp nào để chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên tồn tại nhiều năm qua?...
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, ông Trần Văn Thức cho biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên là do T.Ư giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh, và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, hằng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19 của T.Ư.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa không thực hiện tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số giáo viên đã nghỉ hưu. Hiện nay đã cho phép tuyển dụng, nhưng một số đơn vị cấp huyện không kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao…
"Trách nhiệm trước tiên thuộc về ngành giáo dục, và các địa phương khi được tỉnh giao biên chế thì chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng; Ngành giáo dục chưa tham mưu được cho UBND tỉnh các giải pháp có tính đột phá; Sự phối kết hợp với sở nội vụ và các đơn vị cấp huyện hiệu quả còn chưa cao; Một số địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhưng chưa chú trọng...", ông Thức cho hay.
Theo ông Thức, giải pháp để chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên là phải kịp thời tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao; Hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường và số giáo viên đã nghỉ hưu, còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề; Bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy liên cấp, dạy tăng tiết để trước mắt đảm bảo nhu cầu dạy và học; Tiến hành sắp xếp lại các cơ sở giáo dục cho tinh gọn.
74 xã ra khỏi vùng khó khăn gây khó cho giáo viên và học sinh
Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa quan tâm là trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vừa có 74 xã ở khu vực miền núi ra khỏi vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên học sinh và giáo viên không được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong học tập và giảng dạy, nguy cơ khiến nhiều học sinh vùng khó khăn không thể tiếp tục đến trường.
Theo ông Trần Văn Thức, các xã ra khỏi vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì học sinh không được hỗ trợ hàng tháng tiền ăn, tiền nhà ở, và cấp gạo; giáo viên không được hưởng chế độ thu hút 70% mức lương và các cơ chế chính sách khác. Trong khi điều kiện kinh tế xã hội của 74 xã này so với trước khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn chưa có thay đổi là bao.
"Những năm qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Ban Dân tộc đề xuất với UBND tỉnh và được tỉnh đồng ý xây dựng cơ chế chính sách cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Thủ tướng đã có Quyết định 378, ngày 3.4 2023, giao Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành về xây dựng chính sách hỗ trợ cho vùng miền núi. Vì thế, chúng tôi đã đề nghị và tỉnh đồng ý tạm dừng xây dựng cơ chế riêng của tỉnh, chờ chính sách chung của T.Ư", ông Thức cho biết.
Cũng theo ông Thức, trong những năm học vừa qua, ngành giáo dục đã quan tâm hơn đối với khu vực 74 xã đã ra khỏi vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, như đã kêu gọi trong nội bộ ngành giáo dục ủng hộ, hỗ trợ cho các trường ở vùng khó khăn. Thời gian tới, ngành giáo dục Thanh Hóa sẽ cố gắng làm sao đó có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn đối với 74 xã để được hưởng được chế độ chính sách phù hợp.
Sau phần chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục nhiều năm qua đến nay vẫn chưa giải quyết được, như tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng giáo dục môn tiếng Anh thấp so với cả nước…
Ông Hưng yêu cầu sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; đẩy mạnh thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp học theo hướng tinh gọn, giảm bớt số lượng trường; các đơn vị và các huyện tiến hành ngay việc tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao ngay trước khi khai giảng năm học mới 2023-2024; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm nếu các đơn vị cấp huyện còn chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng kịp thời viên chức ngành giáo dục.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục báo cáo, kiến nghị với Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT, trình Chính phủ giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập ở tỉnh này năm 2023 và các năm tiếp theo. Mục tiêu phấn đấu đến năm học 2025-2026, tỉnh Thanh Hóa bố trí đủ giáo viên dạy học ngoại ngữ cho tất cả các cấp học, nhất là các huyện miền núi.
Bình luận (0)