Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Sơn La có vô can?

30/05/2019 15:55 GMT+7

Suốt mấy chục năm dạy học trung học, tôi chưa từng nghe đến chuyện một quan chức đầu ngành giáo dục của một địa phương lại có hành vi sai trái trắng trợn như ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Sơn La.

Thừa nhận rồi phủ nhận

Sau quá trình điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh này đề nghị truy tố 8 người trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại địa phương này về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Số người này có 6 người ở Sở Giáo dục-Đào tạo Sơn La gồm Phó Giám đốc Sở Trần Xuân Yến và 5 cán bộ thuôc các phòng: Khảo thí và quản lý chất lượng, Chính trị tư tưởng, phó hiệu trưởng một trường THPT; ở Công an tỉnh có 2 cán bộ thuộc Phòng an ninh chính trị nội bộ. Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an Sơn La cũng đã triệu tập ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Sơn La, để lấy lời khai.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, ông Trần Xuân Yến đã nâng điểm thi cho 13 thí sinh, trong đó có 8 trường hợp do chính Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Sơn La, Hoàng Tiến Đức nhờ. Ban đầu, ông Đức thừa nhận trước khi chấm thi, có một số lãnh đạo cơ quan trên địa bàn tỉnh gặp ông đưa thông tin cá nhân (họ tên, số báo danh, các môn thi xét tuyển đại học) nhờ "xem truớc kết quả thi". Theo quy định, chỉ có Bộ GD-ĐT mới là nơi đầu tiên có thẩm quyền công bố điểm thi của thí sinh nên ông Đức thừa nhận việc đưa thông tin cho ông Yến trước khi Bộ công bố điểm là sai vi phạm quy chế thi. Có điều, sau khi bị triệu tập, ông Đức lại thay đổi lời khai, phủ nhận nội dung đã khai, cho rằng không nhận hay đưa thông tin thí sinh cho ông Trần Xuân Yến.
  
Suốt mấy chục năm dạy học trung học, tôi chưa từng nghe đến chuyện một quan chức đầu ngành giáo dục của một tỉnh thành lại có hành vi sai trái trắng trợn như ông Đức. Cả ông Đức, ông Yến và các cán bộ khác ở Sở Giáo dục-Đào tạo và Sở Công an tỉnh Sơn La đều cho rằng mình không hề nhận khoản lợi ích nào từ gia đình thí sinh, cũng không chuyển tiền hay quà gì cho các thành viên ban chấm thi đã "giúp đỡ". Có người chối là thực sự nhờ “xem điểm” chứ không nhờ “nâng điểm”. Khi được hỏi, phụ huynh các thí sinh liên quan khẳng định mình không hề đưa tiền để mua điểm, nhưng thực tế là có bị can trong vụ án này đã nộp lại số tiền gần 2,5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả mong giảm bớt tội trạng. Không nhận tiền của phụ huynh đưa, lấy đâu ra tiền tỉ mà nộp lại cho cơ quan điều tra?
Thật là như trò đùa, có ai lại tin vào những lời lẽ này? Tại sao những thí sinh chỉ được nhờ xem điểm thì nhưng sau đó điểm thi vọt cao lên ?

Cần xử lý nghiêm để đủ sức răn đe

Ngành giáo dục cũng phải cần xem lại từ gốc. Sai sót từ giám đốc Sở xuống phó giám đốc, hội đồng chấm thi… bằng một mắc xích quá dày, quá chặt chẽ . Việc bị lộ chắc chỉ vì các vị quá tham, nâng quá nhiều điểm cho quá nhiều thí sinh nên đã bị phanh phui. Sự việc như thế này trách sao một số gia đình đành phải tìm cho con cái một nền giáo dục khác.
Công an Sơn La tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh  Công an Sơn La
Sự việc này diễn ra, cần phải nghiêm khắc với những người đứng đầu ngành giáo dục của địa phương như ông Đức. Riêng Bộ Giáo dục-Đào tạo cần phải mạnh tay hơn nữa, vụ việc nổi "cộm dữ dội" như thế lại có tiến độ xử lý quá chậm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đừng e ngại vì phải "vạch áo cho người xem lưng" khi công khai thông tin, kỷ luật gắt gao những thuộc hạ liên quan đến vụ bê bối thi cử vừa qua.
Còn bản thân những giáo viên và cán bộ ngành giáo dục cũng cần có dũng khí hơn để dám từ chối những "mời mọc không đúng đắn" khi hành xử mọi nhiệm vụ, nhất là việc chấm điểm và coi thi để đừng xảy ra vụ gian lận điểm thi như ở Sở Giáo dục-Đào tạo Sơn La và các địa phương Hòa Bình, Hà Giang năm vừa qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.