Hôm nay là dịp kỷ niệm 78 năm truyền thống ngành LĐ-TB-XH (28.8.1945 - 28.8.2023). Đây là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng, đa dạng trên nhiều khía cạnh phát triển của một quốc gia như đảm bảo quyền lợi của người lao động; bảo vệ đối tượng đặc biệt (trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật); giảm thiểu các khoảng cách kinh tế và xã hội...
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh cho biết, tiền thân của Bộ LĐ-TB-XH là các Bộ Lao động; Bộ Cứu tế; Bộ Xã hội; Bộ Thương binh - Cựu binh; Bộ Nội vụ; Bộ Thương binh Xã hội.
Tại TP.HCM, kể từ ngày thống nhất đất nước, ngày TP.HCM được chính thức đổi tên từ Sài Gòn - Gia Định (tháng 7.1976) cùng với sự ra đời của các sở, ban ngành, đoàn thể thì đến năm 1988, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM được hợp nhất từ Sở Lao động và Sở Thương binh Xã hội theo quyết định của UBND TP.HCM.
Từ đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM dần khẳng định vai trò, vị thế dẫn đầu cả nước trong thực hiện chính sách người có công, lao động - việc làm, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đang quản lý 33 đơn vị sự nghiệp công lập, tham mưu, giúp UBND TP.HCM quản lý nhà nước về các lĩnh vực lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp; giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm); bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội...
Khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo đầu tiên cả nước
* Với bề dày phát triển, nếu chọn lựa, đơn vị nghĩ đến mô hình, chính sách hay thành tựu nào nổi bật nhất của ngành LĐ-TB-XH TP.HCM?
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh: Thời gian qua, các địa phương, đơn vị luôn nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu của ngành. Tại TP.HCM, thành tựu đáng chú ý nhất là Chương trình Giảm nghèo bền vững TP.HCM. Đây là chương trình được khởi xướng đầu tiên trên cả nước vào năm 1992 và thực hiện cho đến nay, trước đây, tên gọi cũ là Chương trình Xóa đói giảm nghèo.
Qua các giai đoạn, tùy vào điều kiện, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, Chương trình Giảm nghèo bền vững được nghiên cứu, xây dựng chuẩn nghèo phù hợp và luôn cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia từ 1 - 2 lần.
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, huy động nguồn lực của hệ thống và xã hội cũng như nỗ lực tự thân của người nghèo, hộ nghèo nên TP.HCM luôn hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước từ 1 - 2 năm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM các nhiệm kỳ đề ra.
Điểm nổi bật khác, năm 1997, Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo TP.HCM phối hợp Sở NN-PTNT TP.HCM thành lập thí điểm 11 tổ tự quản xóa đói giảm nghèo tại 7 quận, huyện với sự tham gia của 152 hộ nghèo. Đây là những tổ tự quản xóa đói giảm nghèo đầu tiên của TP.HCM và đến nay vẫn còn hoạt động. Mô hình này được tổ chức hoạt động duy nhất cả nước được T.Ư đánh giá cao và giới thiệu nhân rộng để các tỉnh học tập.
Nhận thức trách nhiệm tạo việc làm bền vững
* Hiện nay, các cụm từ về "an sinh xã hội", "lao động - việc làm" được thảo luận rất nhiều. Có nên đánh giá rằng vai trò quản lý lao động của ngành đang được quan tâm hơn so với thời điểm trước đây?
- Từ cuối năm 2022, tác động hậu dịch Covid-19 và biến động phức tạp của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm việc, sắp xếp lại lao động, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động... Trong khi đó, hiện nay, nhiều tỉnh thành có các khu công nghiệp, khu kinh tế hoạt động nên người lao động ngày càng có nhiều lựa chọn công việc để làm và quay về quê.
Đó là những trở ngại đáng kể với thị trường lao động - việc làm tại TP.HCM hiện nay và thời gian tới.
Trong khi đó, thị trường Việt Nam đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế về lao động ngày càng sâu rộng, các vấn đề về lao động, việc làm, đảm bảo an sinh xã hội vốn dĩ có vai trò quan trọng, trong bối cảnh khó khăn ấy càng được xã hội quan tâm nhiều hơn.
Ngành LĐ-TB-XH TP.HCM nhận thức trách nhiệm đẩy mạnh giải quyết việc làm, kết nối cung cầu lao động, nâng cao giá trị nghề nghiệp. Đồng thời xác định mục tiêu dài hạn là hướng tới việc làm bền vững, nâng cao chất lượng việc làm để đảm bảo cuộc sống người lao động tốt hơn và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thực tế thời gian qua, đã có nhiều giải pháp được triển khai, nhất là gói hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; hỗ trợ tiền thuê nhà; kết nối cung cầu lao động... Qua đó góp phần tiếp sức cho doanh nghiệp, người lao động tại TP.HCM.
Gần đây nhất, ngành LĐ-TB-XH TP.HCM đã đề xuất, ký quy chế phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội TP.HCM nhằm tăng trách nhiệm, phối hợp chặt hơn trong việc theo dõi diễn biến tình hình lao động để kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động.
Song song đó, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế về quan hệ lao động, cả về tổ chức bộ máy và nguồn lực. Nhấn mạnh cơ chế hỗ trợ chủ động của các cơ quan nhà nước, nhất là cơ chế hỗ trợ đối thoại, thương lượng.
* Xin ông cho biết đơn vị đã và đang có những tham mưu gì để TP.HCM hướng tới xây dựng lưới an sinh bền vững?
- Qua mỗi thời kỳ, ngành LĐ-TB-XH TP.HCM có những chính sách phù hợp và thích ứng. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trọng điểm sau:
- Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn TP.HCM đến năm 2045
- Chương trình an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 - 2025
- Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021- 2025
- Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn
- Đề án Phát triển quan hệ lao động tại TP.HCM
Cùng với đó, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả những chính sách chăm lo thường xuyên như hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công; chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi; học sinh, sinh viên gặp khó khăn; hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động... Qua đó, hướng đến xây dựng một hệ thống an sinh xã hội cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện; đảm bảo các quyền cơ bản của người dân.
Nâng cao hợp tác quốc tế
TP.HCM là địa phương có nhiều chính sách, mô hình nhấn mạnh quyền của phụ nữ và trẻ em dưới 16 tuổi. Những năm qua, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách để thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TB-XH chủ động tìm kiếm, kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.
Qua đó để nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn và nguồn lực để nghiên cứu, xây dựng và triển khai các mô hình, giải pháp nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Điển hình, gần đây nhất, TP.HCM thí điểm mô hình một cửa đầu tiên cả nước nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Mô hình này do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Tổ chức Planète Enfants & Développement (PE&D) hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật. Hoạt động mô hình sẽ được cấp kinh phí từ ngân sách.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, tổ chức đối tác trong duy trì và mở rộng các mô hình, sáng kiến vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em trên địa bàn.
Bình luận (0)