Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM: ‘Nhiều nguồn lực trong tay chưa được khai thác hết’

05/04/2022 16:01 GMT+7

Lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM nhìn nhận nhiều nguồn lực từ đất đai chưa được khai thác hết, dẫn đến lãng phí và tạo áp lực lên thu ngân sách năm 2022.

Chiều 5.4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2022 và triển khai nhiệm vụ quý 2.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết để bảo đảm thu ngân sách 2022, thành phố không được chủ quan trước những diễn biến dịch hiện hữu dù khởi đầu khá tốt.

Trong đó, cần tận dụng các chính sách của Quốc hội và Chính phủ đưa ra, nếu không kích thích mạnh mẽ về đầu tư thì ảnh hưởng đến thu ngân sách và nhiệm vụ chi. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là khai thác những nguồn lực hiện có để đạt kết quả ngay trong năm 2022.

Cuộc họp kinh tế xã hội quý 1/2022 do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đồng chủ trì

ttbc

Về sử dụng nguồn lực đất đai, bà Hà nhìn nhận hiện vẫn còn nhiều dự án, khu đất đã có quyết định giao đất rồi nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; hoặc có những địa chỉ nhà đất đã giao sử dụng nhưng chưa ký kết hợp đồng thuê đất.

“Đó là nguồn lực hiện hữu trong tay chưa khai thác được hết”, bà Hà nói, đồng thời cho rằng cần tập trung tháo gỡ các lĩnh vực này để có nguồn thu ngay trong năm nay.

Giám đốc Sở Tài chính cho biết Thành ủy và UBND TP.HCM đã yêu cầu tập trung kiểm kê nhà đất công, nhiều phương án sắp xếp được triển khai. Sắp tới, Sở Tài chính phối hợp với Sở TN-MT, Sở Xây dựng đẩy mạnh các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, phát huy nguồn lực và tài sản nhà đất công. “Đối với các địa chỉ đã có phương án bán đấu giá thì các đơn vị tập trung thực hiện”, bà Hà nói.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư trên địa bàn để chủ đầu tư đưa công trình dự án vào sử dụng tránh lãng phí, xuống cấp; đơn giản hóa thủ tục để chủ đầu tư mở rộng đầu tư, tăng quy mô. Trong quý 2, TP.HCM bắt đầu thu phí sử dụng dịch vụ hạ tầng cảng biển, là địa phương thứ 2 triển khai thu phí.

Về kiểm soát chi, bà Hà cho rằng cần phải tăng cường nguồn lực cho đầu tư, nhất là khi đã cam kết với Chính phủ đầu tư dự án vành đai 3, trong đó có phần đóng góp lớn của địa phương; cần tiết kiệm các khoản chi để tập trung cho dự án trọng điểm.

Theo tính toán của Cục Thống kê TP.HCM, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý 1 ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,46% của quý 1/2021.

Từ mức giảm sâu ở quý 3, 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% đến nay, kinh tế TP.HCM đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương, sau thời gian “bạo bệnh chưa có tiền lệ” đã có bước hồi phục và đứng lên khởi sắc cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế khá tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.