Chiều 12.8, Sở Y tế TP.HCM họp toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị để rà soát và triển khai công tác phòng chống, kiểm soát bệnh sởi trên địa bàn. Trong đó vấn đề bao phủ vắc xin phòng chống bệnh sởi được đặt ra.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, sởi là dịch bệnh lưu hành, theo quy định mới là công bố dịch sởi và sở đã tham mưu UBND TP.HCM. Hiện một số quận (9 quận) đủ điều kiện công bố dịch sởi, nhưng cũng phải công bố hết dịch khi đủ điều kiện.
Liên quan đến công tác phòng chống bệnh sởi, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo 2 nội dung. Một là triển khai ngay các giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi, đó là tiêm vắc xin vét, tiêm bù cho trẻ; kể cả tiêm cho nhân viên y tế, người thân bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ. Hai là triển khai ngay các giải pháp để bảo vệ trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao khi mắc bệnh sởi, giảm tử vong.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, xử lý người anti vắc xin sởi
Đặc biệt, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM giao Thanh tra Sở Y tế và tổ công tác đặc biệt chủ động phát hiện những cá nhân chống vắc xin (nếu có) để làm rõ và xử lý nghiêm vì vắc xin sởi hàng chục năm nay đã bảo vệ cộng đồng.
"Ngành y tế mời các chuyên gia tuyên truyền về lợi ích của vắc xin sởi, nhưng đến lúc cũng phải đưa ra trách nhiệm về tuyên truyền sai trong cộng đồng để xử lý", PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định.
Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết thêm, bệnh sởi đang gia tăng trên toàn thế giới.
Tại TP.HCM, từ 23.5 - 12.8, các bệnh viện trên địa bàn đã tiếp nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, TP.HCM chiếm 317 ca. Kết quả xét nghiệm thì có đến 346 ca dương tính bệnh sởi, TP.HCM là 153 ca (chiếm hơn 50%); có 3 ca tử vong tại các bệnh viện do bệnh sởi.
"153 ca bệnh sởi ở TP.HCM xuất hiện ở 57 phường, xã và 16 quận, huyện. Có 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh sởi trở lên (đủ điều kiện công bố dịch sởi). Trong khi đó, từ 2021 – 2023, toàn TP.HCM chỉ có 1 ca bệnh sởi.
Qua điều tra cho thấy 25% trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi; 9 đến dưới 18 tháng là 24%; từ 18 tháng đến dưới 24 tháng 6%; và 18% là từ 24 tháng đến dưới 5 tuổi… Thống kê trên 115 trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên (đủ tuổi tiêm vắc xin) mắc bệnh sởi thì có đến có 73% hoàn toàn chưa tiêm mũi vắc xin sởi nào, số còn lại không rõ tiền sử tiêm vắc xin.
Cũng theo bác sĩ Lê Hồng Nga, phòng bệnh chủ yếu bằng tiêm chủng, vắc xin sởi đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng rất sớm. Nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin sởi là vấn đề quan tâm. Tiêm sởi mũi 1 cho đối tượng quy định trên toàn TP.HCM mới đạt hơn 89%, trong khi muốn để dịch sởi không xảy ra thì tỷ lệ bao phủ cần phải đạt trên 95%. Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 2 chưa đạt 95%, nhiều quận, huyện có 4 năm liên tiếp chưa đạt tỷ lệ này: Q.5, 8, 11, 12, Tân Phú, H.Củ Chi, Bình Chánh và TP.Thủ Đức.
"Điều đáng quan tâm nữa là những quận không có phường, xã nào tiêm đạt 95% bao phủ vắc xin sởi", bác sĩ Lê Hồng Nga nói và đề nghị quận, huyện tăng cường tiêm chủng để chống dịch theo các chỉ đạo của ngành y tế...
Bình luận (0)