Ngày 7.5, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tiếp tục xem xét làm rõ những nội dung kháng nghị của Viện KSND tối cao về những mâu thẫu trong vụ án Hồ Duy Hải.
Theo bản kháng nghị, cơ chế hình thành vết thương trên 2 nạn nhân trong vụ án Hồ Duy Hải được tòa sơ thẩm, phúc thẩm nhìn nhận Hồ Duy Hải đã dùng tay, chân đánh vào mặt nạn nhân Hồng, dùng thớt gỗ đập vào vùng đầu và mặt, rồi dùng dao cắt cổ nạn nhân. Tuy nhiên, trên biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy, việc Hồ Duy Hải dùng tay đánh vào mặt không tạo ra được những vết thương như mô tả.
Bản án kết luận Hồ Duy Hải dùng ghế đập vào đầu, dùng dao cắt cổ nạn nhân Vân, nhưng cơ chế hình thành vết thương không phù hợp với mô tả trong bản khám nghiệm tử thi.
Theo kháng nghị cả 2 bản án xác định chiếc ghế thu được là công cụ phạm tội, nhưng thực tế chiếc ghế đó không liên quan vụ án; 2 đồ vật khác là dao và thớt cũng không có giá trị chứng minh về công cụ gây án, vì dựa trên lời khai của một số người tại hiện trường đã phát hiện 1 con dao mới được đút vào bức tường nhưng sau đó bị đem đốt không tìm lại được, kể cả lưỡi dao bằng kim loại.
Lời khai của Hải về kích thước con dao cũng không thống nhất, có lúc khai lưỡi dao 3 cm, có lúc khai lưỡi dao rộng 6 cm. Các lời khai đầu của Hải không khai dùng thớt gây án. Những lời khai sau có khai dùng thớt đập vào đầu nhưng lời khai về thớt cũng không thống nhất. Có lời khai thớt dầy 10 cm, có lời khai thớt dầy 5 cm.
Tại phiên xét xử, đại diện Hội đồng thẩm phán đặt vấn đề cơ quan điều tra không thu giữ được chiếc thớt và con dao nhưng vì sao trong kết luận điều tra lại kết luận là công cụ gây án?
Đại diện Cơ quan điều tra cho biết, đây là vụ án truy xét, quá trình khám nghiệm không tìm ra con dao. Việc không phát hiện của hội đồng khám nghiệm là do Hải ra lu nước, rửa sạch, mang vào nhét sâu vào ngách. Khi bàn giao lại hiện trường, bưu điện cho người dọn dẹp, nhân chứng thu được dao nhưng sau đó đem đốt bỏ.
Cũng theo điều tra viên, trong quá trình điều tra đã tập trung truy tìm vật sắc nhọn vì vết thương ở cổ nạn nhân nên không để ý tới thớt và ghế. Sau khi bị bắt, Hồ Duy Hải khai rửa sạch dao và dấu vào vách tường. Lời khai của nhân chứng chứng minh Hải trực tiếp có mặt tại hiện trường, gây án, vì nếu một người không phải người gây án thì không thể biết được chi tiết chi li này.
Khi Thẩm phán hỏi: Khi khám nghiệm hiện trường, chưa biết hung khí nhưng khi Hải khai mới biết thớt, dao. Vậy sao không yêu cầu Hải vẽ mô phỏng? Điều tra viên cho biết, sau khi Hồ Duy Hải khai thì dao thớt đã bị đốt bỏ. Đó là sơ suất của cơ quan điều tra.
Đáng chú ý, đại diện Viện KSND tối cao cho biết, trong hồ sơ vụ án còn thể hiện khi khám nghiệm hiện trường còn phát hiện 1 con dao vỏ gỗ hoặc nhựa giả gỗ nhưng cũng không được được cơ quan điều tra thu giữ. Giải thích vấn đề này, điều tra viên cho biết, do thấy con dao không dính máu nên bỏ đi, sau đó cũng bị thu dọn và đốt bỏ. “Đốt dao, phần gỗ cháy nhưng lưỡi dao ở đâu lại không thấy?”. Trả lời câu hỏi này, điều tra viên cho biết đã đi tìm nhưng không thấy, khả năng do bị người lượm ve chai lấy mất.
Đại diện Hội đồng thẩm phán nêu câu hỏi việc cơ quan điều tra mua dao, thớt ở chợ để coi là công vụ phạm tội thì căn cứ vào quy định nào? Điều tra viên giải thích việc mua dao, thớt không phải xác định công cụ gây án mà mua để nhận dạng. Còn việc thu giữ ngoài làm công cụ nhận dạng thì còn chứng minh lời khai của bị cáo dùng thớt, dao, ghế tấn công nạn nhân, chứng minh tính khách quan lời khai, và cơ quan điều tra không coi đây là công cụ gây án.
Cũng theo điều tra viên, do lời khai của Hồ Duy Hải nhiều lần thay đổi về hình dạng con dao, chiếc thớt nên cơ quan điều tra mới đưa các công cụ để nhận dạng.
Về nhận dạng, chiếc thớt có vết máu xuất hiện trong biên bản hiện trường là vật chứng, nhưng không được thu giữ mà lại tiêu huỷ ngay sau khi khám nghiệm hiện trường. Tài liệu chứng cứ có trong vụ án thể hiện chưa đủ khẳng định chiếc ghế là vật chứng. Hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ án, cơ quan điều tra thu giữ một chiếc ghế inox khác với chiếc ghế trong bản ảnh và khác với mã số trong biên bản ghi nhận hiện trường.
Một nội dung quan trong khác trong kháng nghị cũng được Hội đồng thẩm phán yêu cầu làm rõ, đó là tàn tro thu được tại nhà của Hồ Duy Hải thể hiện việc sau khi gây án, Hải đã đốt bỏ quần áo vật dụng có liên quan vụ án. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND tối cao cho rằng, tàn tro này là có thật nhưng chưa xác định liên quan nên không có giá trị chứng minh, vì người nhà Hải khai Hải có thói quen đốt bỏ quần áo cũ.
Tuy nhiên, điều tra viên phản bác quan điểm này và cho rằng, sau khi Hải khai, lãnh đạo tổ phân công tổ công tác xuống hiện trường khám xét. Khám xét mở rộng, phát hiện 2 đống tàn tro, có vật dụng còn cháy dở. Kết quả giám định trong tàn tro có thành phần vải và nhựa. Khi đó, bị can Hồ Duy Hải xác nhận đoạn cháy dở là đoạn dây lưng Hải và phần vải cháy dở màu đen là quần vải màu đen Hải mặc khi gây án.
Bình luận (0)