Giám đốc và thuộc cấp công ty đăng kiểm xe cơ giới hầu tòa

24/01/2024 18:28 GMT+7

Từ năm 2020 đến 2022, hai bị cáo Bùi Ngọc Diệp (Phó giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình) và Tô Hồng Dương (đăng kiểm viên) đã nhận hối lộ tổng cộng 344 triệu đồng để hoàn tất việc đăng kiểm cho các chủ xe.

Ngày 24.1, TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lưu Minh Hải (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình) 3 năm 6 tháng tù; Bùi Ngọc Diệp (42 tuổi, Phó giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình) 3 năm tù và Tô Hồng Dương (38 tuổi, cùng trú TP.Thái Bình, đăng kiểm viên) 2 năm 6 tháng tù, cùng về tội "nhận hối lộ".

Giám đốc và thuộc cấp công ty đăng kiểm xe cơ giới hầu tòa- Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa

C.T.V

Theo cáo trạng, từ tháng 5.2020, Bùi Ngọc Diệp báo cáo với Lưu Minh Hải về việc bộ phận nghiệm thu xe cải tạo thường liên hệ "dẫn khách" về công ty và thỏa thuận thu nhiều hơn mức thu theo quy định để bỏ qua trình tự, thủ tục hoặc làm nhanh giấy chứng nhận cải tạo phương tiện theo yêu cầu của chủ phương tiện.

Hải đồng ý cho làm và yêu cầu khoản thu theo quy định thì phải hạch toán đầy đủ vào sổ kế toán, còn khoản tiền thu thêm thì góp vào làm quỹ để cuối năm "chia cho anh em trong công ty".

Đối với những xe cải tạo yêu cầu có thiết kế, Hải đồng ý cho Diệp tự liên hệ với đơn vị thiết kế tại Hà Nội làm dịch vụ và không yêu cầu thu khoản tiền làm hồ sơ thiết kế về công ty.

Còn việc giám định tai nạn và kiểm tra xe cơ giới, Diệp báo cáo được phép thu gấp 3 lần mức thu tối thiểu theo quy định, Hải cũng đồng ý.

Cáo trạng xác định, sau khi hoàn thiện hồ sơ, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo cho khách hàng, cuối ngày, Dương nộp tổng số tiền thu được cho hai bà Phạm Thị Liên và Nguyễn Thị Thoa (cùng nhân viên nghiệp vụ của Công ty CP đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình).

Sau khi nhận tiền, Liên, Thoa, thực hiện thu các khoản tiền kiểm định, các khoản tiền do các đăng kiểm viên nộp, trong đó, có tiền cải tạo xe, kiểm tra và giám định tai nạn, xuất hóa đơn giá trị gia tăng đối với các xe cải tạo, đồng thời cung cấp số tiền thực thu, biển số xe cho bà Mai Thị Thu Hằng (kế toán Công ty CP đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình) theo dõi, rồi chuyển tiếp cho bà Nguyễn Thị Hoa (thủ quỹ của Công ty CP đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình).

Cơ quan truy tố xác định, việc bà Liên, bà Thoa, thực hiện nhiệm vụ thu tiền là theo sự phân công của ông Nguyễn Xuân Ngọc (Phó giám đốc Công ty CP đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình).

Từ năm 2020 đến năm 2022, bị cáo Diệp và bị cáo Dương nhận tiền và cấp giấy chứng nhận cải tạo cho 286 phương tiện với tổng số tiền đã nhận là 391 triệu đồng. Trong đó, tiền phải thu theo quy định là 176 triệu đồng và số tiền phải nộp thêm là 215 triệu đồng.

Bên cạnh đó, bị cáo Diệp thu thêm tiền ngoài của 21 chủ xe là 126 triệu đồng và Dương thu của 7 xe số tiền 2,8 triệu đồng.

Tổng số tiền các bị cáo nhận hối lộ để hoàn tất việc đăng kiểm cơ giới là 344 triệu đồng.

Cáo trạng xác định, trong vụ án này, bị cáo Diệp là đăng kiểm viên nhận tiền nhiều hơn, bị cáo Hải không phải là đăng kiểm viên, nhận tiền ít hơn Diệp nhưng cơ quan tố tụng lại xác định bị cáo là chủ mưu cầm đầu; Diệp giữ vai trò thứ hai khi phân công, chỉ đạo Tô Hồng Dương nhận tiền.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 24.1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.