“Cuộc đời, có những điều không lường trước được”
Anh Giáp vốn sinh ra lành lặn tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Hồi nhỏ, anh như bao đứa trẻ khác, từng tung tăng cắp sách đến trường và ấp ủ nhiều ước mơ đẹp đẽ.
Bỗng dưng, khi tròn 20 tuổi, anh đổ bệnh. Một căn bệnh mang tên rất chung chung: “rối loạn về cơ”, không chữa được. Căn bệnh đã làm anh bị liệt hai chân, toàn thân cử động với lực rất yếu.
Thương con, bố mẹ anh chạy chữa khắp nơi cho anh. Từ trong nam ra bắc, hễ ai mách chỗ tốt là cả gia đình lại “dốc túi, dốc áo” vét tiền lên đường. Ròng rã 7 năm trời chẳng tiến triển. Đôi chân anh vẫn không thể đứng dậy, đôi bàn tay thì chỉ có thể cử động nhẹ.
Anh Giáp thương bố mẹ vất vả, kinh tế gia đình tụt dốc nên chấp nhận số phận. Anh học cách làm bạn với xe lăn. Anh từng hình dung, có lẽ sẽ đi chẻ tăm hoặc đi bán hàng từ thiện trên phố... như nhiều người khuyết tật khác, rồi ngày nào cũng sẽ giống ngày nào.
“Nhưng lúc đó, một số bạn bè và người thân của tôi đang học ở Hà Nội khuyên tôi, hãy học lấy nghề công nghệ thông tin, nghề này rất phù hợp với người khuyết tật. Vậy là tôi hứng thú và mày mò”, anh Giáp bộc bạch.
Tuy nhiên, không phải cứ muốn học là được. Anh Giáp kể rằng, thời điểm đó, đôi bàn tay của anh rất yếu, đến bấm bàn phím cũng khó khăn. Anh từng nghĩ ra quán internet bấm thử làm quen để xem mình có gõ được bàn phím không. Nhưng rồi không dám thực hiện, vì e ngại. Sau đó, chị gái bàn với bố mẹ, mua 1 chiếc laptop, bàn phím phẳng hơn để giúp anh làm quen. Thời điểm hơn chục năm trước, chiếc laptop là cả một gia tài.
Anh Giáp (ngồi giữa) cùng những người bạn tạo dự án Đào tạo CNTT cho người khuyết tật |
tgcc |
Học nghề công nghệ thông tin rất khó. Bởi lúc đó, nghề công nghệ thông tin chưa phát triển nhất là ở vùng quê. Anh Giáp cũng chưa từng tiếp cận với các kiến thức về khoa học máy tính. Nhưng anh không nản chí. Anh đã mua một số sách về đọc và tự học. Ban đầu, anh học tin học văn phòng và tìm hiểu về code...
Sau hơn một năm, anh Giáp đã nắm được một số kiến thức cơ bản nhưng để dùng những kiến thức đó để “kiếm cơm” thì còn rất gian nan. Một số bạn bè của anh động viên anh ra Hà Nội học và phát triển nghề. Sau bao lưỡng lự, trăn trở, anh đã “dứt quê thoát khỏi vùng an toàn”, cùng em trai ra Hà Nội và theo học lớp của Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng một thời gian.
Từ lớp học, anh quen một nhóm người khuyết tật. Họ đang tham gia dự án Đào tạo Công nghệ thông tin cho Người khuyết tật theo ITTP, do Trường Trung cấp Tin học Hà Nội (ETISH) và CRS tổ chức, với sự tài trợ của USAID. Giáo trình đào tạo của Viện NIIT Ấn Độ. Thấy hay, lại được hỗ trợ ăn ở, anh Giáp đăng ký phỏng vấn ngay.
Ở đây, anh được gặp những người cùng cảnh ngộ, cùng đam mê và khát khao học hỏi. Chỉ trong 1,5 năm, anh Giáp đã hoàn thành chương trình học. Bất kể nắng, mưa, đêm tối, anh đều đến lớp không thiếu buổi nào và trở thành một trong những học viên xuất sắc của dự án.
"Tôi đã là một người bình thường"
Tuy trong quá trình học, anh Giáp là một học viên xuất sắc nhưng ước mơ lúc đó của anh rất giản dị và thực tế. “Tôi chỉ ước kiếm được 1 triệu một tháng, đủ tiền ăn và không phải phụ thuộc quá nhiều vào người thân. Tôi luôn cố gắng học thật nhiều và không ngừng. Thấy mấy anh chị học viên khóa trước nhận được dự án chỉ khoảng 2 - 3 triệu thôi (làm trong nhiều tháng), tôi ao ước lắm”, anh Giáp thổ lộ.
Anh Giáp (ngồi xe lăn ở giữa) cùng bạn bè, đồng nghiệp trong lễ cưới của mình |
tgcc |
Ước mơ “bé nhỏ” bỗng nhiên bị dội gáo nước lạnh. Anh Giáp tốt nghiệp và đi xin việc một số nơi. Tuy nhiên, họ đều không nhận. Một phần vì anh chưa có kinh nghiệm, không được đào tạo bài bản và có lẽ họ chưa thực sự “cởi mở” với người khuyết tật. “Nhiều lần nhà tuyển dụng từ chối, nhưng tôi vẫn rất vui vẻ và biết khả năng của mình chưa đủ tốt”, anh nói.
Không bỏ cuộc. Anh Giáp và một số bạn bè người khuyết tật tích cực đi tìm kiếm dự án. Và dự án đầu tay là thiết kế một trang web bất động sản. “Dự án chỉ thuê chúng tôi (5 người) 30 triệu đồng nếu hoàn thành tốt. Mất vài tháng thức khuya dậy sớm, chúng tôi mới làm xong và rất hồi hộp khi nghiệm thu. Đó là những đồng tiền đầu tiên chúng tôi kiếm được từ nghề. Chúng tôi vô cùng sung sướng và tự tin hơn vào bản thân để nhận những dự án lớn hơn. Dự án còn giúp tôi kết nối nhiều người bạn, họ đã giới thiệu khách hàng và hướng dẫn giúp đỡ tôi trong quá trình triển khai”, anh Giáp nói.
Sau đó, anh Giáp ứng tuyển vào một công ty và nhận làm thêm dự án. Làm được 5 năm, anh quyết định khởi nghiệp. Năm 2015, anh Giáp thành lập công ty TNHH Phần mềm OneDay trên phố Lĩnh Nam, Hà Nội. Công ty ban đầu chỉ có 2 người, anh và em trai. Sau đó phát triển lên 10 người và hiện tại có 5 nhân viên, trong đó có 4 người khuyết tật.
Hướng phát triển chính của công ty là phát triển các ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật trong cuộc sống. Một số ứng dụng của công ty đã ra thị trường như:Tổng hợp tin tức về người khuyết tật; Theo dõi sức khỏe người khuyết tật tại nhà; Cẩm nang về bệnh bại não và não úng thủy... Các ứng dụng ít nhiều đã đi vào đời sống và hỗ trợ được phần nào giúp người khuyết tật.
Gắn bó lâu nhất với anh Giáp trong công việc là chị Phan Thị Lệ Hằng. Chị Hằng bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, đi lại khó khăn. Chị Hằng chủ yếu làm việc online tại nhà, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chị cho biết, làm việc cùng Giáp rất vui vẻ. Giáp là người ham học hỏi, luôn nhận phần khó về mình. Gọi là giám đốc nhưng Giáp còn “sợ” cả nhân viên, sợ nhân viên thu nhập thấp, sợ nhân viên không vui...bỏ việc. Tôi luôn thấy được sự lạc quan và tinh thần giúp đỡ người khác từ anh chàng giám đốc này.
Anh Giáp luôn cho rằng, đối với người khuyết tật nhu cầu việc làm là vô cùng cần thiết. Vậy nên, bất kỳ người khuyết tật nào đến ứng tuyển, dù đã biết việc hay chưa, anh luôn đón chào họ như những người thân, tạo điều kiện để họ học hỏi và làm việc lâu dài.
“Điều tuyệt vời nhất với người khuyết tật là họ có thể tự lao động bằng đôi bàn tay của mình, mỉm cười hoặc bật khóc trước số tiền mình kiếm được. Sau khi trở thành người khuyết tật, với tôi mỗi ngày đều không khác nhau. Và tương lai thực sự mơ hồ, mù mịt. Sau hơn chục năm lăn lộn với nghề công nghệ thông tin, đến nay, tôi đã là một người bình thường, có gia đình, công việc, đồng nghiệp và niềm vui mỗi ngày”, anh Giáp tươi cười nói.
Bình luận (0)