Giám khảo chấm thi môn văn tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Các hội đồng thi ở Hà Nội yêu cầu giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT phải ký cam kết không “tiết lộ” ra ngoài thông tin về bài làm của học sinh. Thế nhưng vì quá nhiều cảm xúc sau khi chấm bài văn của thí sinh năm nay, không ít giáo viên đã “phá lệ” và chia sẻ với Thanh Niên về những gì các cô đọc được sau khi chấm văn của học trò, chỉ yêu cầu: không nêu tên trên báo.
|
Một giáo viên cho biết năm nay đề thi có câu nghị luận xã hội về sự dũng cảm của em Nam quá hay. Trong khi đó, trên một số diễn đàn lại có quan điểm cho rằng đề như vậy là không nên vì sẽ khuyến khích học sinh hy sinh tính mạng của mình để cứu người khác… “Những bài làm của học sinh mà chúng tôi đọc được đã chứng minh là một số diễn đàn ấy đã “lo” quá xa, đã suy nghĩ quá thiển cận”, giáo viên này nói. Hầu như không có học sinh nào không cảm nhận được sự dũng cảm của em Nam, không cảm phục sự hy sinh đó, giáo viên này nói thêm.
Một giáo viên khác chia sẻ: “Tôi đã bật khóc khi đọc những bài viết giản dị mà thật xúc động của các em, có những đoạn văn tôi đã phải ghi lại”. Có thí sinh viết: “Tôi không hề nghĩ đến việc có một thế giới khác sau khi con người ta chết đi cho đến khi tôi đọc được những thông tin về Nam. Khi viết những dòng này, tôi chỉ có một mong ước rất lớn là có một “cõi” nữa để những người tốt như Nam không bao giờ phải vĩnh viễn ra đi”… Một giám khảo khác ghi lại những dòng này từ bài làm của thí sinh: “Lúc tôi đang làm bài thi này thì lẽ ra ở ngôi trường quê hương mình, bạn cũng phải được như vậy. Thế nhưng, vì sự dũng cảm của mình, bạn đã không còn nữa. Chắc ở nơi nào đó, bạn đang mỉm cười dõi theo chúng tôi…”.
Những cái… giật mình
|
Một giám khảo cho hay: “Ở phần liên hệ thực tế không hề có chuyện thí sinh nói một cách khuôn sáo rằng sẽ học tập theo Nam nhảy xuống sông cứu người. Có những học sinh viết rất giản dị: “Khi biết về Nam, tôi chợt ân hận khi nhìn lại bản thân, không ít lần tôi đã từng cười khi bạn mình bất ngờ vướng dây bị ngã xe hay dửng dưng khi bạn bị người khác bắt nạt”… Một số giám khảo thừa nhận: “Đọc bài của các em, chúng tôi cảm nhận được phải đến 60-70% học sinh đã “giác ngộ” khi biết về sự hy sinh của Nam. Phần liên hệ bản thân mà giáo viên hay dùng khái niệm là “bài học hành động”, tôi cảm nhận được những cái… giật mình của học sinh. Trước hành động của Nam, các em thường tự trách hay tự băn khoăn với chính mình: “đã sống thờ ơ, vô cảm quá chăng…”.
Ghi nhận tại những hội đồng thi có học sinh các trường tốp đầu ở Hà Nội cho thấy, điểm gần tuyệt đối cho câu hỏi mở rất nhiều. Có giám khảo nói: “Bản thân giám khảo cũng rất thận trọng khi cho điểm tuyệt đối nhưng có những bài xúc động quá nên không thể không cho điểm cao nhất”. Ở những hội đồng có chất lượng học sinh không cao nhưng giám khảo cũng bất ngờ vì nhiều học sinh “ăn điểm” ở câu hỏi mở. Một giám khảo nhận xét: “Có lẽ câu chuyện có thực, không hề lý thuyết suông của đề thi năm nay đã chạm được đến trái tim của học sinh, các em viết bằng cảm xúc thật nên dù cách diễn đạt có thể còn ngô nghê, vụng dại nhưng đã nhận được mức điểm từ 2-2,5 điểm cho câu hỏi này rất nhiều”.
Qua bài làm của thí sinh, các giám khảo đều có chung mong muốn, những đề văn như kỳ thi năm nay nên được phát huy để học sinh không còn chán hoặc sợ học môn văn nữa. Giáo viên dạy văn vì vậy mà được tiếp thêm động lực để dạy tốt hơn.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)