Ẩn số giảm lãi suất vay khi ở đáy
Agribank mới đây công bố dành 20.000 tỉ đồng triển khai chương trình cho vay trung, dài hạn đối với khách hàng cá nhân đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất (LS) từ 6%/năm. Mức LS này thấp hơn tối đa 1,5%/năm so với sàn LS cho vay trung, dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh của Agribank. Trước đó, ngân hàng (NH) này dành 50.000 tỉ đồng cho vay ngắn hạn với LS từ 3,5%/năm. Vietcombank hiện nay cũng đang triển khai gói tín dụng 160.000 tỉ đồng cho cá nhân, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức LS từ 4,8%/năm; 100.000 tỉ đồng cho DN vừa và nhỏ vay với LS 4,2%/năm…
Tương tự, các NH thương mại cổ phần khác cũng tung các gói tín dụng với mức LS ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. MB cho DN vừa và nhỏ vay vốn lưu động trên nền tảng số BIZ MBBank với mức LS cho vay 0,54%/tháng (tương ứng 6,48%/năm). LS cho vay của nhà băng này dao động từ 6,4 - 7,8%/năm. LS cho vay bình quân của khách hàng DN là 7,17%/năm. Theo thống kê từ NH Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, LS cho vay phổ biến của các NH trên địa bàn thành phố ở mức 6%/năm.
Nếu nhìn vào mức lãi vay nói trên, so với nhiều năm trước là khá thấp, rất hấp dẫn. Thế nhưng phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ chiều 7.9 vừa qua, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực NHNN, cho biết NHNN đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó tập trung vào hạ LS cho vay.
Vậy lãi vay có thể giảm xuống mức nào và giải pháp này có hiệu quả trong việc thúc tín dụng những tháng cuối năm hay không? Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Dư địa giảm LS cho vay vào những tháng cuối năm xem ra rất khó khăn bởi LS huy động thời gian qua đã được điều chỉnh tăng thêm 0,5 - 1%/năm nên độ trễ tăng LS vay rơi vào thời điểm cuối năm. Chưa kể, khi hoạt động kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu vay vốn tăng lên thì LS cho vay đương nhiên tăng lên. Trong bối cảnh đó, việc dựa vào NH thương mại để kêu gọi giảm lãi vay trong thời gian tới không phải chuyện đơn giản.
Đồng tình, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), nhận xét: LS cho vay hiện nay đang được xem là ở mức đáy nên nếu giảm tiếp trong những tháng cuối năm là rất khó. Với mức LS cho vay phổ biến ở 6%/năm thì khả năng LS cho vay cuối năm sẽ không có nhiều biến động bởi tác động từ bên ngoài. Hiện nay, áp lực tỷ giá đã giảm, lạm phát cũng được kiểm soát nên đây là điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ.
"Thế nhưng cầu tín dụng tăng mà LS cho vay giảm thì khó. Đó là chưa kể tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của NH hiện nay đã gần đạt mức cho phép. Các NH chủ yếu huy động vốn ở các kỳ hạn ngắn nên để có nguồn vốn trung, dài hạn, các nhà băng đang tăng cường phát hành giấy tờ có giá như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu… với LS từ 7 - 8%/năm. Với chi phí huy động vốn đang dâng lên nên việc đặt mục tiêu giảm thêm LS cho vay là không đơn giản", ông Độ phân tích.
Nới cửa tiếp cận vốn
Ở góc độ DN, bà N.T.C, giám đốc một công ty sản xuất nước mắm tại TP.HCM, nói "chấp nhận được" khi vay vốn lưu động NH ở mức 6,2%/năm trong thời gian 90 ngày. "Mức lãi này cao hơn mức lợi nhuận kinh doanh của DN nên DN phải tính toán trả ngay tiền cho NH khi tiền về nhằm tránh phát sinh lãi. Trong quá trình làm hồ sơ, nhân viên NH cho biết LS vay trung, dài hạn là 9%/năm. Do mức LS trung, dài hạn cao hơn gần 3%/năm LS cho vay ngắn hạn nên chúng tôi chọn vay ngắn hạn để có mức giá vốn rẻ, không dám đầu tư trung, dài hạn trong thời điểm này", bà C. giải thích. Theo bà, ngoài lãi vay, để thúc vốn ra nền kinh tế, cần nới rộng hơn nữa các điều kiện tiếp cận vốn.
"Những quy định nghiêm ngặt từ NH về thủ tục hồ sơ vay cũng là rào cản với DN. Chẳng hạn như quy định DN phải kinh doanh có lãi những năm trước đó, mà các năm trước vướng dịch Covid-19, DN nào trụ được đến thời điểm này là cũng bở hơi tai, chứ yêu cầu phải có lãi thì khó. Nếu thật sự hỗ trợ DN thì ngoài việc giảm LS, cần nới thủ tục hồ sơ vay hơn một chút, không nên áp dụng các quy định như ở thời điểm kinh tế bình thường, cũng như không bổ sung thêm các loại giấy tờ…", bà N.T.C nói.
Ông Nguyễn Trí Hiếu đồng tình mức LS cho vay phổ biến 6%/năm hiện nay ở VN còn thấp hơn LS cho vay ở Mỹ (từ 7 - 8%/năm) nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn khá chậm thì nên xét các yếu tố khác nhằm tháo gỡ. "Mọi người nói nhiều về nguyên nhân hấp thụ vốn của DN ở mức thấp. Thế nhưng ở đây cũng cần xem xét đến yếu tố khẩu vị rủi ro của NH. Khi thấy có rủi ro, NH sẽ hạn chế cho vay bằng các biện pháp kỹ thuật như xét khả năng trả nợ của khách hàng rất chặt chẽ, thẩm định giá trị tài sản đảm bảo thấp, cắt giảm hạn mức cho vay trên tài sản đảm bảo (chẳng hạn trước đây cho vay 80% tài sản đảm bảo thì nay giảm xuống 60%)… Chính vì vậy mà LS cho vay dù ở mức thấp đến mấy đi nữa mà NH xét duyệt tín dụng chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh nợ xấu ở mức cao như hiện nay thì tín dụng khó tăng trưởng", ông Hiếu dẫn chứng.
Để giải bài toán LS cho vay những tháng cuối năm, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng NHNN can thiệp thị trường thì lãi vay mới có thể giảm thêm vào những tháng cuối năm. Có 2 biện pháp, đó là NHNN giảm LS điều hành trên thị trường mở, LS trên thị trường liên NH giảm…Thêm vào đó, NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để chi phí vốn mà NH hoạt động được giảm xuống, NH có thêm nguồn vốn đẩy ra cho vay nhiều hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng NHNN có thể bơm tiền mạnh ra thị trường qua các kênh với LS thấp. Tuy nhiên vốn rẻ ra nhiều mà DN không thể hấp thụ thì khả năng chảy vào các kênh đầu tư như tỷ giá là không tránh khỏi nếu không có sự kiểm soát. "Kinh tế VN đã có những bước tăng trưởng ấn tượng trong quý 2, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn từ DN và cá nhân khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất. Kỳ vọng LS sẽ ổn định ở mức hiện nay từ nay đến cuối năm và vì thế không tạo áp lực lên LS cho vay", ông Độ nói.
Theo dữ liệu công bố từ nhà điều hành, dư nợ tín dụng tính đến ngày 30.8 tăng 7,31% (cao hơn con số công bố ngày 26.8 ở mức 6,63%). Những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng gần đây đã khởi sắc và khả năng đạt được mức 15% như kế hoạch năm 2024.
LS hiện nay cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023. LS huy động là 3,84%, tăng 0,23%. LS huy động tăng nhưng LS cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các NH đã chia sẻ với DN. Tiền gửi huy động phải tăng lên để trả LS cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm thì chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp, lợi nhuận năm nay có phần giảm bớt so với các năm trước.
Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Bình luận (0)