Giảm lãi vay, đưa vốn vào nền kinh tế

01/04/2023 06:09 GMT+7

'Giờ kinh doanh gì sinh lời 15% để trả lãi vay, chưa kể các chi phí khác, cô chỉ cho tôi', giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM hỏi ngược lại khi chúng tôi thắc mắc sao không vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động mà lại đóng cửa tạm nghỉ.

Khác với thời điểm cuối năm 2022 khi vấn đề bị các doanh nghiệp (DN) kêu nhiều nhất là không thể tiếp cận vốn tín dụng thì ở thời điểm hiện tại, rất nhiều trong số đó nói thẳng với lãi vay trên 10%/năm hiện nay, họ không thể và không dám vay.

Không dám vay nên có DN dừng cuộc chơi, một số hoạt động cầm chừng, rất nhiều công ty ngưng mở rộng quy mô, đầu tư dự án... Kết quả là quý đầu tiên của năm nay có tới hơn 60.000 DN đóng cửa, nghĩa là trung bình mỗi tháng có gần 20.000 công ty rút lui khỏi thị trường. Nhưng với nhiều người, sốc hơn cả là kinh tế quý 1/2023 của TP.HCM, đầu tàu cả nước lại thấp nhất trong số 5 TP trực thuộc T.Ư. Trước khi chỉ số này được công bố, khắp nơi các DN kêu cứu vì lãi vay quá cao, vì không thể tiếp cận gói lãi suất ưu đãi, vì ngân hàng (NH) từ chối cho vay vốn... nhưng không ăn thua. Những cuộc giảm lãi suất "rầm rộ" chủ yếu là ở đầu vào - tiết kiệm. Còn đầu ra - lãi vay vẫn giảm hết sức ì ạch, nhỏ giọt. Giảm thế này có lẽ chỉ lợi cho các NH khi khoảng cách giữa lãi vay và tiết kiệm bị nới rộng. Mà chẳng phải bây giờ, thực tế mấy năm gần đây, bất chấp cộng đồng DN có khó khăn thế nào thì đa số NH vẫn lãi khủng. Đó là minh chứng rõ nhất cho sự thiếu chia sẻ giữa hệ thống tín dụng với nền kinh tế. Và không có gì xác thực rõ ràng về gọng kìm lãi suất hơn lời thừa nhận của Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa với 16.000 DN hội viên, rằng với những DN cần dòng vốn đầu tư dài hạn, lãi suất trên 10% thì không bên nào dám vay. Thế nên nguyện vọng lớn nhất của họ với ngành NH là có chính sách giãn nợ và giảm lãi vay.

Lãnh đạo NH Nhà nước cũng thừa nhận lãi vay cao, thế nên nhiệm vụ quan trọng bây giờ chính là giảm lãi suất. Và tin vui cuối ngày hôm qua là cơ quan này đã chính thức giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng song song với việc điều chỉnh lãi suất điều hành mà theo lãnh đạo NH Nhà nước "là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất trong thời gian tới". Thị trường kỳ vọng lãi vay cũng nhanh chóng giảm theo chứ không như đã đề cập ở trên, lãi đầu vào giảm nhưng đầu ra ì ạch. Bởi ở thời điểm hiện tại, sức khỏe của cộng đồng DN, của nền kinh tế đang ở tình trạng báo động. Nếu lãi vay không giảm nhanh, tiếp cận tín dụng không được khơi thông, chắc chắn sẽ có thêm nhiều DN biến mất khỏi thị trường vì không thể cầm cự nổi thêm nữa. Số DN thu hẹp sản xuất đương nhiên cũng tăng cao; các hộ chăn nuôi đang lỗ đơn - lỗ kép ở thủ phủ Đồng Nai sẽ treo chuồng, dọn trại... tình hình này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế quý sau, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái khi các thị trường tài sản đều suy giảm. Ngay với các NH, nếu không giảm lãi suất thì nguy cơ nợ xấu cũng sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn của chính NH đó.

Tất nhiên, vốn cho nền kinh tế không thể đẩy hết lên NH, còn có các kênh trái phiếu DN, thị trường chứng khoán. Cũng như khó khăn hiện tại không chỉ giải quyết bằng chính sách tiền tệ mà còn chính sách tài khóa, thủ tục hành chính, vướng mắc pháp lý... Thế nhưng nước xa không thể cứu lửa gần. Và lửa gần lúc này chính là tiếp cận tín dụng phải được nới ra, lãi vay phải được kéo xuống thì tăng trưởng kinh tế mới có cơ hội đi lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.