Giẫm lên người chữa... bá bệnh ?! - Kỳ 2: Chỉ cấp phép tẩm quất

16/09/2015 06:30 GMT+7

Sáng 15.9, trả lời Thanh Niên , ông Đặng Mộng Điệp, Phó chủ tịch UBND TP.Sông Công (Thái Nguyên), cho biết cơ sở của bà Phạm Thị Phú không có chức năng, nhiệm vụ thăm, khám chữa bệnh.

Sáng 15.9, trả lời Thanh Niên, ông Đặng Mộng Điệp, Phó chủ tịch UBND TP.Sông Công (Thái Nguyên), cho biết cơ sở của bà Phạm Thị Phú không có chức năng, nhiệm vụ thăm, khám chữa bệnh.

Phương pháp chữa bệnh giẫm lên người của “cô Phú”
Phương pháp chữa bệnh giẫm lên người của “cô Phú”- Ảnh: C.T.V
Trước đó, cơ quan ban ngành của TP.Sông Công đã cấp phép để cơ sở này hoạt động với hình thức tẩm quất và kinh doanh dịch vụ ăn uống với tên gọi là Ban Mai. “Hiện tôi đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tiến hành kiểm tra, rồi làm báo cáo gửi lãnh đạo. Nếu quả đúng sự thật như vậy thì phải có biện pháp xử lý nghiêm”, ông Điệp cho hay.
Cũng theo ông Điệp, sau khi nhận được thông tin phản ảnh, ông đã cho kiểm tra nhanh, qua đó, bà Phạm Thị Phú không hề được đào tạo qua trường lớp liên quan tới chuyên môn khám chữa bệnh. Một lãnh đạo xã Vinh Sơn (nơi “cô Phú” đặt cơ sở khám chữa bệnh) cũng bức xúc tại sao chỉ với tên cơ sở Ban Mai có thể ngang nhiên tổ chức khám chữa bệnh trong từng ấy năm, trong khi ban ngành chức năng, cả Sở Y tế, Công an TP.Sông Công cũng xuống kiểm tra cơ sở này một số lần và tiến hành xử phạt, nhưng không đóng cửa cơ sở của “cô Phú”. Cùng ngày, PV đã nhiều lần liên hệ với Công an TP.Sông Công, nhưng đều không được.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), thừa nhận việc chữa bệnh theo kiểu giẫm lên người như ở Sông Công đã tồn tại khoảng 5 - 6 năm qua.
Theo đó, Bộ Y tế, Sở Y tế Thái Nguyên đã có cuộc họp về hoạt động này, trong đó trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động về khám chữa bệnh trên địa bàn. Nếu xác định đó là phương pháp chữa bệnh thì cần chứng minh hiệu quả, an toàn; cần lập hồ sơ, xây dựng đề cương nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa nhận được các thông tin chính thức từ địa phương về sự việc này.
Trong khi đó, vào sáng 15.9, có mặt tại cơ sở của "cô Phú", PV Thanh Niên ghi nhận vẫn có hàng trăm bệnh nhân ở khắp các tỉnh, thành kéo đến để thăm khám bệnh.
Theo Cục Y dược cổ truyền, Bộ Y tế, trong ngày 15.9, Sở Y tế Thái Nguyên và Phòng Y tế TP.Sông Công đã có các cuộc họp để tiếp tục đưa ra biện pháp xử lý đối với việc hành nghề không phép của bà Phú.
Cùng ngày, Cục Y dược cổ truyền đã có văn bản gửi Sở Y tế Thái Nguyên yêu cầu báo cáo sự việc và đề nghị địa phương cần có biện pháp giải quyết, không để tồn tại khám chữa bệnh không phép trên địa bàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.