Giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo

19/08/2022 06:22 GMT+7

Việt Nam đang đặt mục tiêu giảm phát thải , dự kiến không đưa vào Quy hoạch điện 8 hơn 8.400 MW điện than.

Như vậy, giải pháp trước mắt lẫn lâu dài bắt buộc phải tăng đưa nguồn điện tái tạo vào cuộc sống.

Điện sạch tăng mạnh

Bộ Công thương mới trình Thường trực Chính phủ đề án Quy hoạch điện 8 xin ý kiến 6 nội dung gồm rà soát các dự án điện than, điện khí; các dự án điện mặt trời; các chỉ tiêu liên quan đến điện tại Nghị quyết 55-NQ/TW; cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện 8; cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Ưu tiên phát triển mạnh năng lượng xanh và bảo vệ môi trường

Nguyên Nga

Cụ thể, không đưa thêm 14.120 MW nhiệt điện than, 1.500 MW nhiệt điện khí vào dự thảo Quy hoạch điện 8. Ngoài ra, Bộ Công thương đề nghị tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án/phần dự án điện mặt trời đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư, nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng 2.428,42 MW. Đồng thời bộ này cũng đề nghị giãn tiến độ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW sang giai đoạn sau năm 2030.

Sau khi kiểm đếm, tính toán lượng điện của toàn hệ thống, tính toán các nguồn điện có thể đưa vào sử dụng trong 5 - 10 năm tới, Bộ Công thương đưa ra cơ cấu nguồn điện trong đề án Quy hoạch điện 8 đến năm 2030 như sau:

Tổng công suất các nhà máy điện (đã tính đến 2.428,42 MW công suất các dự án điện mặt trời sau khi đã rà soát, đưa vào vận hành trước năm 2030) khoảng 120.995 - 148.358 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát). Trong đó, thủy điện đạt 26.795 - 28.946 MW, chiếm tỷ lệ 19,5 - 22,1%; nhiệt điện than 37.467 MW, chiếm tỷ lệ 25,3 - 31%; nhiệt điện khí (tính cả nguồn điện sử dụng LNG) 29.880 - 38.980 MW, chiếm tỷ lệ 24,7 - 26,3%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) 21.666 - 35.516 MW, chiếm tỷ lệ 17,9 - 23,9%, nhập khẩu điện 3.937 - 5.000 MW, chiếm tỷ lệ 3,3 - 3,4%. Tổng nguồn vốn đầu tư hằng năm cho phát triển nguồn và lưới điện là rất lớn, khoảng 10,7 - 16,6 tỉ USD/năm trong giai đoạn 2021 - 2030 và ước tính 15 - 25,3 tỉ USD/năm trong giai đoạn 2031 - 2045, trong đó nguồn điện chiếm khoảng 70 - 75% và lưới điện chiếm khoảng 25 - 30% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030; nguồn điện chiếm khoảng 80 - 85% và lưới điện chiếm khoảng 15 - 20% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2031 - 2045.

Cần có mức giá điện bao nhiêu là phù hợp

Các số liệu trên cho thấy các nguồn điện sau rà soát, chỉnh sửa của đề án Quy hoạch điện 8 khá cân bằng, theo hướng tăng năng lượng tái tạo, giảm nguồn năng lượng ảnh hưởng môi trường. Cụ thể, năng lượng sạch gồm thủy điện, điện mặt trời có thể lên đến 46%, cộng thêm với điện khí chiếm gần 25%, như vậy, tổng nguồn điện xanh của VN trong dự thảo Quy hoạch điện 8 có thể đạt 71%. Còn lại nguồn nhiệt điện than có tỷ lệ phát thải cao chiếm chưa tới 25%. Tuy nhiên, ngoài việc làm rõ nhiều nội dung theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công thương vẫn chưa đưa ra được mức giá điện bao nhiêu là chấp nhận được đối với người dân trong 10 năm tới theo yêu cầu của Chính phủ.

TSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực, cho rằng các nguồn điện cần phát triển hài hòa, quan trọng nhất là ưu tiên phát triển năng lượng, ổn định kinh tế. Chúng ta đã hạn chế phát triển nhiệt điện than và những nhà máy nào cũ, ô nhiễm thì nên dần hạn chế, gỡ bỏ và thay thế bằng nguồn điện tái tạo. Tuy nhiên, nếu toàn bộ công suất điện của hệ thống chỉ là điện tái tạo thì buổi tối không có mặt trời, không có gió thì lấy gì thay thế? Đây là điều các nhà quy hoạch cần tính đến. Việc khuyến khích tư nhân đầu tư hạ tầng truyền tải điện là một trong những giải pháp giúp tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng không theo kịp công suất nguồn điện tái tạo đang tăng mạnh ở phía nam.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách, các cơ chế nên cho phép các bên chủ đầu tư dự án điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời cần được chủ động hơn trong việc bán điện cho bên khách hàng. Quy định này cần rõ ràng hơn trong Quy hoạch điện 8, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư, thì bài toán tránh phụ thuộc vào nhiệt điện lẫn thủy điện mới có lời giải phù hợp hơn. Ông nói: “Thông điệp đối với Quy hoạch điện 8 phải nhấn mạnh yếu tố tăng cường an ninh năng lượng bằng cải cách mạnh mẽ về thể chế thị trường mua bán điện, tiệm cận hơn các chuẩn mực thị trường và thông lệ quốc tế, tiến đến ưu tiên phát triển mạnh năng lượng xanh và bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần ổn định giá điện lẫn khả năng chống chịu tốt hơn các cú sốc về lạm phát chi phí đầu vào hay bất thường bởi thời tiết của nhiệt điện, thủy điện. Tuy nhiên, trong dự thảo, tôi thấy Bộ Công thương đề nghị giãn tiến độ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư và để sang giai đoạn sau năm 2030. Vấn đề này cần được cân nhắc, bởi chiến lược của chúng ta trong tương lai là phát triển xanh, giảm phát thải khí. Cần tính toán trong 5 - 10 năm tới, giá điện có thể bao nhiêu là phù hợp với người dân để việc tính toán đầu tư hiệu quả sát thực tế hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.