Chơi lễ thả ga mà không cần "đập lợn tiết kiệm"
"Đi Thái Lan chơi lễ té nước không? Vé khứ hồi có hơn 3 triệu thôi, siêu rẻ!" - anh B.Trọng (ngụ Q.7, TP.HCM) hào hứng nhắn tin vào nhóm bạn thân chuyên săn vé rẻ đi du lịch. Vừa mới đi Thái Lan đón Tết Dương lịch hồi đầu năm nên đất nước chùa Vàng không nằm trong kế hoạch ưu tiên của nhóm bạn này, từ giờ đến cuối năm. Dù vậy, vì rất thích Thái Lan nên anh Trọng vẫn bảo nếu đến lễ Songkran mà tìm được vé máy bay rẻ thì sẽ đi tiếp.
"Vé lần này còn rẻ hơn vé vợ chồng tôi mua hồi Tết Dương lịch. Đi đúng cao điểm lễ từ 11 - 15.4, vé khứ hồi của Thai AirAsia chỉ gần 3,5 triệu đồng, mà nhiều chỗ, không phải hiếm đâu. Một số chặng kết hợp với Thai Airways hoặc với hãng hàng không trong nước như Vietjet hay Vietnam Airlines thì giá cao hơn chút, từ hơn 4,5 - 6 triệu đồng/khứ hồi. Trong khi bạn tôi vừa từ Hà Nội bay vào đây, chẳng lễ chẳng tết, chẳng phải cuối tuần luôn mà vé đã 2,6 triệu đồng/chiều rồi. Lễ lớn thế mà họ lại giảm giá vé máy bay rất mạnh, giá phòng cũng rất tốt. Đi cả chuyến 4 ngày chơi lễ chưa tới 10 triệu, nên đi quá ấy chứ" - anh Trọng nói.
Khảo sát trên một số trang bán vé trực tuyến, vé máy bay đi Thái Lan từ giờ đến hết tháng 4 từ hầu hết các địa phương tại Việt Nam đều đang giảm mạnh. Nếu tháng trước, các tín đồ du lịch từ Hà Nội mua vé sang Bangkok phải chi khoảng 6 - 7 triệu đồng cho cặp vé khứ hồi thì nay có thể "tha hồ" lựa chuyến bay của Thai AirAsia chỉ từ 4,3 triệu đồng. Từ đầu TP.HCM, hãng Vietjet cũng có chuyến bay thẳng Bangkok với giá vé hơn 4,7 triệu đồng/khứ hồi. Bay Vietnam Airlines hay Vietravel Airlines thì giá vé cao hơn, dao động từ 5,4 - hơn 9 triệu đồng.
Không chỉ các chặng bay quốc tế, nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan cho biết các đường bay nội địa giai đoạn từ nay đến hết tháng 4 cũng vô cùng nhộn nhịp bởi giá vé máy bay giảm từ 20 - 30% tùy chặng.
Songkran (lễ té nước) là ngày tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan, được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch (tương ứng với ngày 13 - 15.4 dương lịch) để đón năm mới nên người dân Thái Lan tranh thủ nghỉ lễ, đi chơi rất nhiều. Đây là năm đầu tiên Tết Songkran của người Thái được UESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên lễ hội được kéo dài trong 5 ngày (từ 11.4 - 15.4), thay vì 3 ngày như mọi năm.
Trước đó, các hãng hàng không Thái Lan đã gây ấn tượng mạnh mẽ với truyền thông quốc tế bằng cam kết sẽ biến lễ hội Songkran thành một sự kiện đáng nhớ mà người dân và du khách không cần phải "đập lợn tiết kiệm". Bộ trưởng Bộ GTVT Thái Lan đã kêu gọi các hãng hàng không coi Tết Songkran không chỉ là lễ hội té nước mà còn là lễ kỷ niệm khả năng chi trả và khả năng tiếp cận. Ông khuyến khích các hãng hàng không điều chỉnh giảm giá vé trên những chuyến bay nội địa, đặc biệt là trong dịp lễ hội Songkran; tăng cường sắp xếp chỗ ngồi, chuyến bay để nhiều người có thể tham gia lễ hội.
Đáp lại lời kêu gọi của Bộ trưởng, hãng hàng không Thai Airways International khơi dậy niềm đam mê du lịch của người dân bằng cách thông báo bổ sung thêm các chuyến bay khứ hồi nối Bangkok với các thành phố Phuket và Chiang Mai; hãng hàng không Khon Kean đưa ra các hành trình khứ hồi tương tự vào hai ngày 15 - 16.4. Trong khi đó, Nok Air hứa hẹn sẽ có thêm chuyến bay đến cả Chiang Mai và Phuket, tạo ra nhiều tuyến khám phá hơn cho những ai háo hức hòa mình vào lễ hội; Thai Lion Air sẵn sàng bùng nổ với việc bổ sung các chuyến bay đến bờ biển thanh bình của Krabi và thiên đường văn hóa Ubon Ratchathani; Thai VietJet đang tung ưu đãi giảm tới 20% giá vé cho tất cả hành trình nội địa...
Trông người lại nghĩ đến ta...
Việc vé máy bay đi Thái Lan giảm giá đúng cao điểm lễ Songkran khiến hầu hết các tín đồ du lịch Việt Nam phải dùng từ "sốc", bởi từ trước đến nay, giá vé máy bay nội địa mùa lễ, tết luôn là nỗi ám ảnh của các gia đình.
Đơn cử, dịp lễ 30.4 - 1.5 sắp tới, chặng Hà Nội - Phú Quốc chỉ có vài chuyến bay, giá dao động từ gần 6 triệu đến gần 10 triệu đồng; bay Hà Nội - Nha Trang phải chi từ 5,8 - hơn 7 triệu đồng/cặp vé khứ hồi; từ TP.HCM đi Đà Nẵng, giá vé cũng tăng gấp 1,5 lần ngày thường, ngang cao điểm Tết Nguyên đán - khoảng 5 triệu đồng/vé khứ hồi... Giá vé máy bay cao khiến nhiều gia đình phải hủy bỏ kế hoạch chơi lễ hoặc chuyển hướng điểm đến, thậm chí đổ xô đi nước ngoài du lịch.
Nhìn câu chuyện dưới góc độ từ cả hàng không và du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HÐQT Vietravel Corporation phân tích: Rất khó để đòi hỏi các hãng bay giảm giá vé trong giai đoạn hiện nay. Giá xăng dầu nếu trước đây chỉ chiếm khoảng 30% chi phí của hàng không thì giờ đã lên tới 50 - 60%. Tổng chi phí đầu vào của ngành hàng không đang tăng rất cao. Trong khi đó, nhu cầu đi máy bay hiện nay không chỉ là du lịch mà khách thương mại rất nhiều và tính lệch đầu gần như diễn ra quanh năm, theo mùa vụ, theo sự kiện, mùa lễ, tết.
Ðơn cử, lễ 30.4, mọi người từ Hà Nội đổ đi Phú Quốc, máy bay chiều đó có thể đạt tỷ lệ lấp đầy 90 - 100% nhưng chiều ngược lại có khi chưa đạt tới 20 - 30%. Hãng không thể cho máy bay ở lại Phú Quốc để chờ khách đến nên buộc phải tính chi phí cộng cả 2 đầu để chia lại. Trong trường hợp này, theo ông Kỳ, nếu có chính sách bán vé kiểu 2 chiều, khách mua trọn gói vé khứ hồi thì doanh nghiệp mới có thể chủ động tính toán để có giá vé tốt hơn.
Trong khi đó, dưới góc độ du lịch, muốn giữ giá ổn định thì bắt buộc doanh nghiệp phải lên kế hoạch từ rất sớm, đặt cọc trước từ lâu để "ôm" series vé, chấp nhận hên xui kiểu "được ăn cả, ngã về không". Việc giá vé máy bay tăng cao là điều không doanh nghiệp lữ hành nào mong muốn. Chưa kể, các điểm du lịch hiện đang có xu hướng "rủ nhau" lẳng lặng thu phí hoặc tăng giá vé vào cổng. Ðiều này nếu không được kiểm soát sẽ phá vỡ hết kế hoạch bán hàng của doanh nghiệp lữ hành, gây tác động xấu cho toàn ngành du lịch.
"Trong khu vực Ðông Nam Á, các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia cho phép các hãng hàng không thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định nhưng tại sao họ vẫn có được giá du lịch hấp dẫn? Là bởi họ có "chìa khóa" liên kết. Mà muốn liên kết thì phải có "nhạc trưởng" vì du lịch là kinh tế tổng hợp, là cấu thành của rất nhiều ngành kinh tế hạ tầng nên muốn liên kết phải dựa vào thượng tầng. Ðây lại chính là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Câu chuyện kích cầu du lịch của Việt Nam chưa bao giờ được làm tới nơi tới chốn. Với cách "ông" nào cũng muốn làm hết mọi dịch vụ để ôm lời như hiện nay, Việt Nam không thể bán tour rẻ hơn Thái Lan cũng như một số nước Ðông Nam Á" - ông Nguyễn Quốc Kỳ thẳng thắn nhận định.
Bình luận (0)