Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ với Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án).
Cụ thể, về Đề án, có 11 trong tổng số 18 phiếu ý kiến đồng ý nội dung Đề án, không có ý kiến bổ sung; 3 bộ, ngành có ý kiến bổ sung kèm theo là Bộ Công an, Bộ TN-MT, Bộ LĐ-TB-XH; 3 bộ, ngành có ý kiến khác là Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính; một ý kiến không đồng ý nội dung Đề án là Bộ Tư pháp.
Ban đầu, Đề án do Bộ Xây dựng đưa ra đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ NOXH, NOCN các địa phương hoàn thành là hơn 1,4 triệu căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành khoảng hơn 571.000 căn hộ; giai đoạn 2025 - 2030, hoàn thành khoảng 845.500 căn hộ.
Về mục tiêu này, có 7/18 bộ, ngành đề nghị cân nhắc mục tiêu, số lượng căn hộ NOXH, NOCN hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2023, để đảm bảo tính khả thi của Đề án.
Giải trình về mục tiêu này, Bộ Xây dựng cho hay số lượng được xác định theo tổng hợp số liệu của các địa phương trên cơ sở chương trình, kế hoạch đã được thông qua. Dù thế, phía bộ sẽ tiếp thu ý kiến, điều chỉnh mục tiêu; thay vì hoàn thành hơn 1,4 triệu căn hộ sẽ giảm về còn hơn 1 triệu căn hộ.
Giảm nguồn lực xây dựng NOXH, NOCN
Về nguồn lực xây dựng Đề án, ban đầu với mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành hơn 1,4 triệu căn hộ, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động đến hơn 1,1 triệu tỉ đồng.
Tuy nhiên, 4/18 bộ, ngành là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT đã có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn ngân sách T.Ư hay ngân sách địa phương; đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước để có cơ sở đảm bảo tính khả thi khi triển khai Đề án.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho hay, hiện dự thảo luật Nhà ở sửa đổi và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính sách NOXH được xây theo hướng hạn chế nguồn lực từ Nhà nước, tăng nguồn lực đầu tư xã hội hóa và có các chính sách ưu đãi theo pháp luật về nhà ở. Ngoài ra, các địa phương có thể căn cứ chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, điều kiện cụ thể để cân đối nguồn lực hỗ trợ phát triển NOXH, NOCN.
Khi mục tiêu số lượng căn hộ hoàn thành giảm, Bộ Xây dựng cũng điều chỉnh nguồn lực thực hiện Đề án theo hướng giảm. Để đảm bảo mục tiêu phát triển NOXH, NOCN đến năm 2030 cần khoảng 849.500 tỉ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Đề nghị làm rõ giải pháp thực hiện dự án
Góp ý thêm cho Đề án, Bộ Công an cho rằng cần ưu tiên dành tỷ lệ phù hợp quỹ nhà để bố trí cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn có đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua căn hộ NOXH theo quy định.
Trong khi đó, Bộ TN-MT đề nghị cần đảm bảo đúng quy định pháp luật đất đai, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Bộ LĐ-TB-XH đề nghị cần đánh giá rõ hơn các tồn tại, hạn chế, vướng mắc của các dự án NOXH, NOCN đã thực hiện thời gian qua, để xác định nguyên nhân vì sao chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là NOCN ở các KCN, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới.
Bộ LĐ-TB-XH cũng đặt câu hỏi trong số hơn 1 triệu căn NOXH của Đề án đặt ra, có bao nhiêu nhà ở dành cho công nhân KCN? đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu? và đề nghị xác định cụ thể chỉ tiêu này.
Bộ Tư pháp có ý kiến về việc Đề án có nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhưng nội dung mục này chưa rõ nhiệm vụ là gì và các giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án NOXH, NOCN cũng chung chung, đề nghị làm rõ.
Theo Bộ Tư pháp, tờ trình của Bộ Xây dựng cũng chưa làm rõ được sự cần thiết xây dựng Đề án, do đó đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung nêu bật sự cần thiết xây dựng Đề án.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho rằng tờ trình của Bộ Xây dựng có nêu khó khăn, vướng mắc trong việc ngân sách T.Ư chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách NOXH, NOCN. Dù thế, giải pháp đưa ra lại chưa giải quyết được vấn đề khó khăn của ngân sách T.Ư.
Giải trình các nội dung trên, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp thu, xem xét bổ sung các ý kiến vào Đề án.
Bình luận (0)