Giảm nghèo chưa bền vững

10/05/2015 05:00 GMT+7

“Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững”, thực trạng này một lần nữa được Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận tại hội nghị cuối tuần qua. Mặc dù nguồn lực huy động, phân bổ cho chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, tính đến nay đã là hơn 20.000 tỉ (ngân sách trung ương hơn 17.000 tỉ), nhưng một số huyện vẫn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, có những huyện tới 70%.

“Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững”, thực trạng này một lần nữa được Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận tại hội nghị cuối tuần qua. Mặc dù nguồn lực huy động, phân bổ cho chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, tính đến nay đã là hơn 20.000 tỉ (ngân sách trung ương hơn 17.000 tỉ), nhưng một số huyện vẫn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, có những huyện tới 70%.
Thực tế như một vòng luẩn quẩn, các chương trình hỗ trợ trực tiếp khiến nhiều hộ thoát nghèo, nhưng do không có các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, không có “cần câu” đúng nghĩa nên các hộ thoát nghèo chỉ sau một trận ốm, thậm chí sau một đêm bão là nghèo lại hoàn nghèo. Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cũng cho thấy, cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo.
Theo một báo cáo rà soát chính sách của Oxfam (tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động hỗ trợ nhân đạo, phát triển nông thôn…), đến tháng 12.2014, tổng số văn bản chính sách liên quan đến giảm nghèo ở VN là 501, trong đó có 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo đang có hiệu lực và 313 văn bản liên quan gián tiếp. Các chính sách tản mác, trùng lắp là một trong những nguyên nhân khiến các địa phương khó khăn khi thực hiện, nguồn lực bị phân tán. Đặc biệt, cũng theo tổ chức này, đa số chính sách còn nặng về bao cấp, hỗ trợ cho không nên tạo cho người dân tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo.
Muốn phát triển bền vững thì phải giảm nghèo bền vững, đó là nguyên tắc. Và chỉ có nghĩ khác, làm khác mới cho kết quả khác. Thế nên, các chính sách cào bằng, nặng về “cho” phải được xem xét lại. Nếu vẫn tiếp tục để tình trạng hỗ trợ vốn cho người nghèo nhưng lại bắt buộc phải có đông người tham gia mới giải ngân; Mỗi hộ nghèo có nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau, nhưng chính sách của chúng ta lại không phân biệt, tất cả mọi người nghèo đều được hỗ trợ như nhau - giống như phát quà từ thiện, thì đồng vốn hỗ trợ người nghèo sẽ không bao giờ trở thành động lực thoát nghèo cho người nghèo.
Để giảm nghèo bền vững, cần phải nhắc lại nguyên tắc “con cá” và “cần câu”. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay (cho con cá) cũng quan trọng nhưng không nên làm đại trà, trong một thời gian dài. Nên tách đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng nghèo để có chính sách phù hợp. Đầu tư hạ tầng, đầu tư cho các chương trình phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ tín dụng, đầu tư cho giáo dục, y tế, theo đó tạo công ăn việc làm, tăng thụ hưởng dịch vụ công cho người nghèo ở các vùng nghèo luôn là giải pháp căn cơ hơn cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.