Trả lời Thanh Niên, TS Đặng Xuân Hoan, Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng đây là bước đi hoàn toàn đúng, vì về nguyên tắc, Đảng, Nhà nước đang yêu cầu giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, cách làm cụ thể thì phải dành thời gian nghiên cứu thêm.
Giảm đầu mối chứ không giảm đội ngũ
Theo TS Hoan, khi làm sẽ phát sinh những vướng mắc như việc thiếu thống nhất trong điều hành vì có sở sau sáp nhập sẽ do 2 bộ quản lý, nhưng sẽ phải khắc phục bằng cách ban hành quy chế. “Kinh nghiệm thế giới cũng đã có, không nhất thiết cấp T.Ư có bộ máy nào thì địa phương cũng phải có. Tuy nhiên, chúng ta làm có hiệu quả hay không thì phải do thực tiễn kiểm nghiệm”, TS Hoan nói.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng nhận xét tinh gọn bộ máy theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực chắc chắn là hướng đi đúng, nhưng thành bại lại là do cách làm. “Nhà nước thu gọn để chỉ làm chức năng, nhiệm vụ, còn lại để cho doanh nghiệp (DN), xã hội người ta làm, đấy là nguyên tắc”, ông Phúc nhấn mạnh. Nhưng với đề xuất cụ thể của Bộ Nội vụ tại dự thảo, ông cho biết cần thời gian nghiên cứu thêm trước khi đưa ra nhận định.
Không bàn cãi gì về việc giảm đầu mối, và cho rằng VN làm còn chậm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lại thấy dự thảo chưa đi từ cái gốc là rà soát lại chức năng, nhiệm vụ các sở. Như vậy, việc sắp xếp chỉ làm được đúng một việc là gọn đầu mối, chứ bộ máy bên trong vẫn cồng kềnh như cũ.
tin liên quan
Cả nước có thể giảm ít nhất 46 đến 88 sở, ngànhCũng theo ông Dĩnh, việc Bộ Nội vụ làm từ khúc giữa, là sắp xếp ở cấp tỉnh, cấp huyện mà chưa tính đến các bộ, ngành thì sẽ tạo ra độ vênh trong chỉ đạo, đơn cử việc nhập Sở Tài chính - Kế hoạch, nhưng vẫn giữ Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT. Ngay việc Bộ Nội vụ quy định cứng khung số lượng sở, còn trao quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND quyết định hợp nhất, sáp nhập chi tiết sẽ tạo ra sự không thống nhất trên cả nước.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cũng lấy một vài ví dụ cho thấy quy định tiêu chí với các sở đặc thù quá lỏng sẽ phát sinh thêm bộ máy. “Đơn cử Sở Ngoại vụ, đưa tiêu chí có cửa khẩu biên giới hoặc sân bay, có khu công nghiệp... nên hiện có 43 tỉnh, thành có sở ngoại vụ. Sắp tới có thể còn nhiều hơn nữa, mà tôi cho rằng không cần thiết, vì nếu nói đối ngoại phải ở tầm quốc gia. Hay sở du lịch, trước kia bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giờ tự nhiên lại tách ra cho 13 tỉnh, thành thành lập sở riêng và rồi nghị định mới cũng không cẩn thận sẽ còn có nhiều hơn”, ông Dĩnh nói.
“Cuối cùng, tôi vẫn quay trở lại việc phải đi từ chức năng, nhiệm vụ với định hướng nhà nước kiến tạo phát triển. Chức năng, nhiệm vụ giảm thì công chức mới giảm được”, ông Dĩnh nhấn mạnh.
Trưởng phòng, giám đốc sở chẳng chịu trách nhiệm gì cả?
Vấn đề sẽ không chỉ dừng lại ở số lượng biên chế. Một lãnh đạo địa phương đánh giá “linh hồn” của việc sáp nhập này là phải sửa cả tư duy, quy chế, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, nếu không thậm chí sẽ làm rối hơn. Lấy ví dụ, việc sáp nhập 3 văn phòng UBND, HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội như một điển hình, vị này chỉ ra một thực tế: Ở cấp tỉnh, huyện, văn phòng UBND đang là một siêu văn phòng.
“Văn bản của trưởng phòng cấp huyện, giám đốc sở ở cấp tỉnh ký trình UBND sẽ do một chuyên viên bình thường của văn phòng UBND huyện, tỉnh thẩm định, tức là chuyên viên này sẽ có thể phủ nhận cả bộ máy chuyên môn của sở, cả ông giám đốc sở. Việc thẩm định này là thừa thãi, làm chậm quy trình và tạo ra sự ỷ lại từ cấp trên đến cấp dưới. Cấp dưới trình lên biết là trên còn thẩm định, còn góp ý chán, nên cứ làm đại đưa lên. Nhiều lần như vậy thì các phòng, các sở người ta cũng giao cho một chuyên viên viết rồi ký đại trình lên, góp ý rồi sẽ sửa tiếp, tạo ra sự thiếu trách nhiệm. Đáng lý ra, trưởng phòng, giám đốc sở, bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực, phải chịu trách nhiệm cao nhất về các nội dung họ trình, nay họ chẳng chịu trách nhiệm gì cả”, vị này phân tích.
Văn phòng UBND trở thành siêu sở của cấp tỉnh, mà nếu sáp nhập lại sẽ thành “siêu siêu sở” cả về quy mô lẫn quyền lực, thì việc ách tắc công việc ở đây là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra.
|
“Nếu cho văn phòng về đúng chức năng của nó thì được, nó không còn là cơ quan tham mưu, tổng hợp nữa mà trở thành cơ quan tổng hợp và giúp việc thôi. Giám đốc sở sẽ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ những gì họ trình. Nếu không thay đổi cách thức làm việc, chức năng, nhiệm vụ thì việc sáp nhập sẽ gây hệ lụy”.
tin liên quan
Hà Nội nghiên cứu sáp nhập các đơn vị sự nghiệp“Cơ quan nhà nước còn sa vào tác nghiệp là nhiều, đội ngũ rất cồng kềnh, nên giảm 10% biên chế cũng khó chứ không kỳ vọng gì mạnh hơn. 3, 4 nghị định về tinh giản biên chế như 108, 132, 116 đều không thành công, mất nhiều tiền lắm rồi. Phải mạnh dạn lên, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ”, ông Dĩnh nêu quan điểm.
Cần giảm bớt cấp phó khi sáp nhập
Từ góc nhìn của địa phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh - Đỗ Thị Hoàng từng cho biết: “Hiện chúng tôi chỉ vướng ở chỗ nhân sự vẫn ngồi đấy, không thể đẩy người ta ra đường mà phải chờ 1 trong 2 người đứng đầu cơ quan hợp nhất nghỉ hoặc chờ chỗ nào đó trống để bố trí nhân lực”.
GS Nguyễn Minh Đoan, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về bộ máy nhà nước, nhận xét rằng cần có lộ trình rõ ràng để giảm bớt cấp phó và biên chế khi sáp nhập, nếu không thì việc sáp nhập sẽ không có ý nghĩa gì.
|
Bình luận (0)