Giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện trong cả nước: Sao lại cào bằng?

10/06/2019 11:40 GMT+7

Cả phương án giảm 1 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện của Chính phủ lẫn phương án giữ nguyên 2 người như hiện tại của cơ quan thẩm tra đều có chung lập luận là có sự đồng ý của Bộ Chính trị.

Sáng 10.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, đề xuất giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, huyện từ 2 hiện hành xuống còn 1 để tinh giản biên chế của Chính phủ nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Theo tờ trình của Chính phủ, đề xuất này là nhằm thực hiện Nghị quyết số 18 của T.Ư về mốt số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đề xuất này cũng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về cơ cấu tổ chức HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước.
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành (năm 2015) quy định HĐND cấp tỉnh, huyện có 2 phó chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND.
Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất 1 biên chế được nâng từ chức danh “ủy viên thường trực” của HĐND lên phó chủ tịch.
Theo Ủy ban Pháp luật, vấn đề này đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị (khóa XI) trước khi Quốc hội biểu quyết đưa vào luật hiện hành.
Từ đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có đánh giá tác động thật kỹ, vì đổi mới phải đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc, chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.
“Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số lượng các chức danh này thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí thế nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi”, báo cáo nêu.
Theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, do trong hồ sơ Chính phủ chưa có đánh giá tác động nên ý kiến thảo luận tại Ủy ban Pháp luật còn ý kiến khác nhau.
Nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành; một số ý kiến đề nghị chỉ giảm 1 phó chủ tịch HĐND cấp huyện, còn giữ nguyên số phó chủ tịch ở cấp tỉnh; một số lại đề nghị giữ nguyên giữ nguyên 2 phó chủ tịch HĐND ở thành phố trực thuộc T.Ư và các tỉnh là đơn vị hành chính loại 1, các tỉnh còn lại và cấp huyện thì giảm 1 người.

Cả cơ quan soạn thảo lẫn thẩm tra đều nói phương án của mình được Bộ Chính trị đồng ý

Quá trình thảo luận dự án luật tại hội trường sáng nay, ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng rất khác nhau.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, việc giảm 1 phó chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phải cân nhắc thận trọng.
Theo đại biểu, phương án mà Chính phủ đưa ra là giảm cào bằng tất cả các địa phương, kể cả TP.HCM và Hà Nội là không hợp lý, chưa thuyết phục.
“Nếu không xét thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả, dẫn đến chúng ta phải sửa luật thường xuyên”, đại biểu Hạnh cảnh báo.
Dẫn cả tờ trình lẫn báo cáo thẩm tra dự án luật, đại biểu Hạnh cho biết, cả cơ quan soạn thảo và thẩm tra đều lập luận phương án của mình đã được sự đồng ý của Bộ Chính trị. Phương án của Chính phủ đã được Bộ Chính trị khóa XII đồng ý, còn phương án mà cơ quan thẩm tra bảo vệ đã được Bộ Chính trị khóa XI đồng ý.
“Cơ quan nào cũng có lý nhưng theo tôi, Bộ Chính trị chỉ cho ý kiến về mặt chủ trương, quan điểm còn lại, cách thức thì phải tổ chức thực hiện thế nào cho thật sự hiệu quả, đảm bảo hoạt động chất lượng mà không dừng lại ở việc tăng giảm biên chế cơ học”, đại biểu Hạnh bày tỏ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Hạnh, hiện chúng ta đang thí điểm thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư tỉnh ủy với chủ tịch HĐND nên nếu giảm chỉ còn 1 phó chủ tịch HĐND sẽ khó khăn hơn trong việc đảm bảo hoạt động của HĐND nhất là ở thành phố lớn, tỉnh thành loại 1.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì đề nghị không nên quy định cứng số lượng thành viên HĐND, số lượng phó chủ tịch HĐND, cũng như số lượng cơ quan chuyên môn, số lượng phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, mà nên phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
“Như vậy linh hoạt và phù hợp với yêu cầu đặt ra từng thời kỳ trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn đồng thời cũng phù hợp với định hướng, chủ trương của Đảng. Chúng ta không nên quy định cứng nhắc trong luật khi có vấn đề thực tiễn đặt ra lại phải sửa luật”, ông Vân phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.