Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chi phí khai thác dầu thô ở VN dao động từ mức 30 đến 70 USD/thùng trong khi giá dầu thô thế giới đang xoay quanh mức 55 USD/thùng. Xuất khẩu dầu thô, nguồn thu lớn của ngân sách đang giảm lãi, thậm chí có những thùng đã lỗ.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn |
Tăng thu "nguồn khác" không dễ
* Quan điểm của ông thế nào về đề xuất VN nên tạm ngưng khai thác hoặc khai thác để dự trữ chứ không xuất khẩu để tránh lỗ hoặc bán rẻ tài nguyên quý này?
- Nếu đây là một quyết định kinh tế hay chỉ là quyết định tài chính ở góc độ doanh nghiệp (DN) khai thác dầu thì câu trả lời tương đối đơn giản. Theo đó, DN phải xác định xem họ đang ở điểm hòa vốn hay điểm đóng cửa để quyết định việc tiếp tục hay ngưng khai thác. Nếu giá dầu xuống thấp hơn chi phí khai thác trung bình nhưng cao hơn chi phí biến đổi thì DN bị lỗ nhưng vẫn nên tiếp tục khai thác vì như vậy sẽ giảm lỗ hơn so với khi ngưng khai thác. Ngược lại, nếu giá dầu xuống quá thấp, thậm chí thấp hơn so với phí khai thác thì giải pháp tốt hơn là nên ngưng khai thác. Câu chuyện đóng cửa các mỏ dầu cũng không xa lạ gì khi giữa thập niên 1980, giá dầu thế giới xuống rất thấp, có lúc chỉ còn 14 USD/thùng đã khiến hơn 15.000 giếng khoan dầu ở Mỹ ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, ở đây không đơn thuần là khía cạnh tài chính DN mà còn nhiều vấn đề phức tạp khác nữa vượt ngoài tầm quyết định của các DN khai thác dầu. Đó là vấn đề nguồn thu ngân sách hiện cũng đã tương đối eo hẹp do tình hình kinh tế còn khó khăn, đó là vấn đề tăng trưởng kinh tế cho những thời khắc cuối năm gắn với các mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.
Tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng thu ngân sách so sánh thực tế và dự toán. Nguồn: Theo số liệu của Bộ Tài chính - Ảnh: Đ.N.T
|
* Đặt trường hợp chúng ta tạm thời ngưng xuất khẩu dầu thô, điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?
- Tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng thu ngân sách (gồm thu nội địa, thu ngoại thương, thu từ dầu thô, và thu viện trợ) của VN hiện xấp xỉ 20% và đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Đáng nói là tỷ trọng này theo số liệu quyết toán thường cao hơn so với dự toán rất nhiều. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn của nguồn thu ngân sách vào khai thác dầu thô, đi ngược lại xu hướng cải cách thuế khóa của các nước trên thế giới cũng như chính lộ trình cải cách thuế mà VN đã đề ra.
|
Chính vì phụ thuộc lớn như vậy nên khi giá dầu thế giới giảm sâu đã ảnh hưởng rất lớn đến cân đối ngân sách trong năm nay và có nguy cơ cả năm sau. Mức trần bội chi ngân sách mà Quốc hội đề ra cho năm nay là 5,3% GDP đã là một mức quá cao so với sức chịu đựng của nền kinh tế cũng như tính bền vững của nợ công. Vì vậy, một khả năng mà nhiều người e ngại là Chính phủ sẽ phải tăng nguồn cung để bù vào sự sụt giảm của giá dầu. Chính sách này đi ngược lại với chính sách hợp lý ở góc độ DN mà chúng ta đã nói ở trên, tức là khi giá dầu giảm, DN sẽ phải giảm sản lượng hoặc thậm chí ngưng hoạt động.
Còn nếu Chính phủ quyết định không giảm sản lượng khai thác, vẫn duy trì mức sản lượng dự kiến thì chắc chắn nguồn thu ngân sách từ dầu sẽ phải giảm, khi đó sẽ phải bù đắp từ các nguồn thu khác. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc tăng thu từ các nguồn khác cũng không dễ dàng, hơn nữa chính sách này sẽ càng bóp chết nền kinh tế vốn đã rất ốm yếu và đang cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Tăng giá điện không hợp cả lý và tình
* Còn những hiệu ứng tích cực từ việc nhập khẩu xăng dầu rẻ hơn, liệu nó có thể bù được cho phần thất thu từ xuất khẩu dầu thô giá rẻ không?
- Đúng thế, việc giá dầu giảm hiện nay có thể sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên nền kinh tế, kích thích nền kinh tế gia tăng chi tiêu nhờ hiệu ứng thu nhập (income effect). Khi đó, Chính phủ kỳ vọng sẽ có thêm nguồn thu từ các khoản thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, hay thậm chí là thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được một khi giá xăng trong nước được điều chỉnh linh hoạt và tương thích với giá thế giới. Đồng thời phải tạo điều kiện để cho giá cả trên các thị trường hàng hóa khác cũng linh hoạt điều chỉnh theo giá xăng dầu như giá cước vận tải (hàng không, taxi...); giá nguyên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất. Ngay cả giá điện cũng phải được điều chỉnh linh hoạt, không chỉ đối với nguồn nhiệt điện dầu hay tuabin khí chạy khí, dầu DO mà cả thủy điện hay nhiệt điện than (do hàng hóa có tính thay thế). Nhìn ở góc độ này, việc đề xuất xin tăng giá điện của EVN hiện nay không hợp lý lẫn tình.
* Trước mắt, theo ông các nhà điều hành trong nước phải làm gì để đối phó với việc này?
- Theo tôi, việc lập dự toán ngân sách phải tính đến nhiều kịch bản về giá dầu, kể cả tình huống xấu nhất và tương ứng với nó là các kế hoạch về phân bổ chi tiêu ngân sách khác nhau theo các thứ tự ưu tiên. Dự toán ngân sách 2015 dù đã được Quốc hội thông qua nhưng vẫn có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới về giá dầu, cũng như những tác động của nó lên khả năng phục hồi nền kinh tế. Ngân sách cũng nên lập một quỹ bình ổn ngân sách tự động theo giá dầu. Theo đó trong những thời kỳ thuận lợi như giá dầu tăng, phần thu tăng thêm sẽ bổ sung vào quỹ chứ không nên tăng chi. Còn trong thời kỳ không thuận lợi, khi giá dầu giảm, quỹ bình ổn ngân sách tự động sẽ dùng để bù đắp cho những khoản thu thiếu hụt đó. Quỹ này nên được giao cho Quốc hội quản lý thay vì Chính phủ.
Ở góc độ các DN xuất khẩu dầu, việc sử dụng các công cụ phái sinh chẳng hạn như hợp đồng kỳ hạn sẽ giúp giảm được rủi ro do giá dầu biến động.
Sản lượng khai thác dầu thô vẫn tăng mạnh
Trong tháng 11.2014, sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng ước đạt 15,9 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ nhưng giá trị xuất khẩu dầu thô đã giảm tới 22,9% so với cùng kỳ 2013.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 10, sản lượng dầu thô xuất khẩu đã lên tới hơn 7,6 triệu tấn, thu về hơn 6,5 tỉ USD, tăng 9,7% về sản lượng so với cùng kỳ.
|
Bình luận (0)