Giám sát an toàn tiêm chủng vắc xin ComBE Five

19/12/2018 14:00 GMT+7

Đã có các tỉnh đầu tiên triển khai tiêm vắc xin ComBE Five. Các giám sát về an toàn tiêm chủng ghi nhận 5,5% trong hơn 17.300 trẻ nhỏ sau tiêm vắc xin ComBE Five có phản ứng nhẹ, không có ca tử vong sau tiêm.

Ngày 18.12, Bộ Y tế cho biết đã có 8 tỉnh triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trong gồm: Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bình Định, Yên Bái, Kon Tum, Đồng Tháp. Đến ngày 30.11 đã có 60 huyện, 899 xã/phường triển khai tiêm ComBE Five với 17.356 trẻ được tiêm.
ComBE Five là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam và được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong tiêm chủng mở rộng (TCMR). Thực tế giám sát tại các địa phương đã tiêm vắc xin ComBE Five trong các tháng gần đây vừa qua cho thấy, vắc xin được triển khai an toàn. Việc theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five được thực hiện chủ động, chặt chẽ liên tục trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, ghi chép, báo cáo tất cả các trường hợp phản ứng thông thường được người nhà và cán bộ y tế ghi nhận.
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm ComBE Five (sốt<39°C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) có tỷ lệ 5,5%. Có 3 trường hợp phản ứng phải nhập viện điều trị đã được hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng tuyến tỉnh kết luận: 2 trường hợp phản ứng phản vệ, 1 trường hợp sốt cao/co giật đã được xử trí ban đầu và cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Không có trường hợp tử vong.

Chính thức tiêm vắc xin ComBE Five trên toàn quốc

Theo đại diện của Chương trìnhTCMR quốc gia, việc chuyển đổi sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) thay thế ch vắc xin Quinvaxem tại các tỉnh trên đã được sự chấp nhấp nhận của cộng đồng. Không có trường hợp từ chối tiêm chủng vắc xin.
Căn cứ kết quả chuyển đổi sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) tại 7 tỉnh, Bộ Y tế cho phép triển khai vắc xin ComBE Five trên quy mô toàn quốc từ cuối tháng 12 này. Vắc xin tiêm cho các trẻ dưới 1 tuổi.
- Trẻ cần được theo dõi các phản úng sau tiêm chủng
- Trẻ cần được theo dõi các phản úng sau tiêm chủng
Các chuyên gia cũng khuyến cáo về giám sát phản ứng sau tiêm chủng, Theo đó, cần theo dõi trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng và xử trí kịp thời. Theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng, chú ý các dấu hiệu bất thường như: Quấy khóc dai dẳng, bứt rứt, khó chịu, nôn, trớ, nổi ban, đại tiểu tiện không tự chủ … có thể là dấu hiện sớm của phản ứng dị ứng, quá mẫn; Tại vết tiêm sưng đỏ lan rộng. Cán bộ tiêm chủng cần hướng dẫn bố mẹ theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng và báo cáo ngay trong vòng 24 giờ cho tuyến trên các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Không tiêm chủng vắc xin trong các trường hợp:

- Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib lần tiêm chủng trước hoặc vắc xin có thành phần DPT, viêm gan B, Hib như: Sốt cao trên 39°C trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm vắc xin; dấu hiệu não/màng não: tím tái, khó thở trong vòng 2 ngày sau tiêm vắc xin; Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin; khóc dai dẳng trên 3 giờ… trong vòng 1 ngày sau tiêm vắc xin; Giảm trương lực cơ trong vòng 2 ngày sau tiêm vắc xin.
- Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan....).

Tạm hoãn tiêm chủng vắc xin trong các trường hợp:

- Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
- Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).
- Trẻ mới truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.
- Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày; trẻ có cân nặng dưới 2.000 gram.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.