Giám sát bệnh viêm gan 'bí ẩn'

09/05/2022 05:55 GMT+7

Bộ Y tế vừa có công văn gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur về tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân - đang được coi là viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em; thực hiện nghiên cứu, điều tra về bệnh viêm gan vi rút.

Ngày 8.5, Sở Y tế TP.HCM cho biết sau 2 ngày triển khai yêu cầu đến các bệnh viện theo dõi, phát hiện trẻ bị viêm gan cấp để tìm phát hiện vi rút Adeno (hoặc tác nhân khác), vẫn chưa có ca nào được báo cáo.

Theo dõi trẻ bệnh nặng nhập viện Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ngày 8.5

Nhật Thịnh

VN chưa ghi nhận ca bệnh như WHO khuyến cáo

Liên quan các ca bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân - đang được coi là viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em, TS-BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, chia sẻ WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đều đã có những thông tin cảnh báo. Tại VN tới ngày 6.5 tuy chưa có ca bệnh nào được ghi nhận trong phạm vi cả nước, nhưng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường giám sát, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Cùng với đó, phải báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại VN nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong.

Theo dõi trẻ bệnh nặng nhập viện ở khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ngày 8.5

Nhật Thịnh

Theo thông tin ban đầu, vi rút Adeno đang bị nghi ngờ là nguyên nhân của các ca viêm gan bí ẩn, với các triệu chứng cấp tính. Vi rút này cũng đã có tại VN nhiều năm qua, khiến cộng đồng nghi ngại về nguy cơ viêm gan ở trẻ có thể mắc phải. Về lo ngại này, BS Hoa cho hay hiện trong nước chưa từng ghi nhận những loạt ca bệnh tổn thương gan ở trẻ em tương tự như WHO khuyến cáo.

Trong nhóm mắc viêm gan “bí ẩn”, theo WHO và CDC Mỹ, các ca bệnh trong độ tuổi 0 - 16 tuổi (trong đó bệnh nhân nhỏ nhất mới 1 tháng tuổi). Trong đó, nhóm trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều hơn.

Tăng cường giám sát

Theo BS Hoa, cũng giống như SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19), mới đầu là các ca viêm phổi chưa rõ nguyên nhân; các triệu chứng dần được ghi nhận điển hình và đầy đủ hơn, sau đó chúng ta mới phát hiện và khẳng định được vi rút gây bệnh.

“Trong giai đoạn này, các ca bệnh có tổn thương gan cấp vào viện sẽ được đặc biệt lưu ý tới tiền sử dịch tễ, các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa…, sau khi được loại trừ tất cả các nguyên nhân thường gặp khác sẽ được tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh, bao gồm cả sàng lọc vi rút Adeno”, BS Hoa chia sẻ.

Không nên quá hoang mang

Chia sẻ với các gia đình về lo ngại nguy cơ viêm gan cấp ở trẻ nhỏ đang được WHO cảnh báo, BS Hoa cho rằng tới nay nguyên nhân gây bệnh này vẫn chưa rõ nên chưa thể khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu. “Các gia đình không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh và lưu ý các triệu chứng sớm của bệnh gan ở trẻ”, BS Hoa nói.

Triệu chứng nghi ngờ liên quan như: trẻ có sốt, mệt mỏi, vàng da, có tiêu chảy, nôn, viêm kết mạc… cần được tới khám tại các cơ sở y tế tuyến đầu. Nếu có tổn thương gan kèm theo, các bé bị bệnh cần được điều trị hỗ trợ và giám sát bởi các bác sĩ chuyên khoa, đánh giá mức độ bệnh. Nếu bệnh nặng sẽ phải chuyển đến trung tâm y tế chuyên sâu; nếu bệnh nhẹ có thể điều trị tại cơ sở y tế địa phương. Tất cả ca bệnh đều phải được báo cáo cụ thể và kịp thời cho CDC địa phương.

Trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh, việc phòng bệnh cần tuân thủ nguyên tắc thực hiện vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, đảm bảo nguồn nước sạch và xử lý tốt chất thải của bệnh nhân. Không dùng chung các vật dụng (ly, thìa, khăn mặt...) vì đó có thể là đường lây truyền.

“Chúng ta cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ trong các trường học, nhà trẻ bằng cách đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân...”, BS Hoa lưu ý.

Vị chuyên gia về gan mật nhi cũng nhìn nhận: “Khả năng xuất hiện các trường hợp bệnh tương tự tại VN là có thể. Hiện các nước châu Á đã có một số ca bệnh được báo cáo như Indonesia có 3 ca tử vong; Singapore đã ghi nhận 1 ca là trẻ 10 tháng tuổi”.

“Adeno là vi rút rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Theo các nghiên cứu trước đây, đa số trẻ nhỏ từng nhiễm Adeno 1 lần trong giai đoạn từ 0 - 4 tuổi. Adeno hiện có ghi nhận ở VN nhưng mới chỉ được xác định là nguyên nhân gây tiêu chảy. Tại thời điểm này chưa đủ bằng chứng để khẳng định Adeno là nguyên nhân gây bệnh ở nhóm bệnh trẻ có tổn thương gan cấp nói trên. Việc ghi nhận sự có mặt của Adeno ở một số bệnh nhi cần được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu trong thời gian tới”, TS-BS Nguyễn Phạm Anh Hoa chia sẻ thêm.

Vì sao gọi là căn bệnh “bí ẩn”?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, căn bệnh viêm gan “bí ẩn” trên thế giới hiện nay có thể gọi là viêm gan cấp. Những năm 1988, 1989 mà gặp viêm gan cấp thì cũng “bí ẩn” như hiện nay, vì không có xét nghiệm nên không biết do siêu vi gì, cũng không biết có bệnh nền, bệnh lý chuyển hóa gì hay không, mà chỉ chẩn đoán với bệnh cảnh viêm gan cấp, tối cấp, hôn mê gan, suy gan, teo gan… Mỗi năm có vài chục ca trong khoa như vậy. Thời gian sau này, VN triển khai tiêm ngừa và xét nghiệm viêm gan siêu vi B, nếu một ca viêm gan cấp vào làm xét nghiệm viêm gan siêu vi B âm tính, thì nghĩ đó là viêm gan siêu vi A, C, E…

Cũng theo bác sĩ Khanh, viêm gan có nhiều nguyên nhân, do vi rút B, C lây qua đường máu; còn vi rút A, E thì lây qua đường ăn và những vi rút khác có thể lây qua đường hô hấp như vi rút Adeno và tình cờ vào gan. Ngoài ra, viêm gan có thể do hóa chất, do thuốc và biểu hiện bằng suy gan cấp…

Cũng theo bác sĩ Khanh, gần đây những ca bệnh xuất hiện ở các nước tiên tiến, người ta tầm soát được hết những khả năng có thể có để tìm ra nguyên nhân gây viêm gan cấp (máu, phân, đường hô hấp), nhưng cho kết quả âm tính hết thì người ta cho rằng đó là “bí ẩn”. Bên cạnh đó, các ca bệnh xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau, nhiều nhất là Anh và bệnh cảnh giống nhau, như vậy khả năng nhiều nhất là do vi rút. Và trên nhiều mẫu xét nghiệm người ta thấy vi rút Adeno týp 41.

Nhưng tại sao có một số em bé mắc? Theo bác sĩ Khanh, đó là do cơ địa của trẻ, trẻ có bệnh lý chuyển hóa làm cho gan yếu hoặc trẻ bị viêm gan B sẵn.

Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.