Giám sát chặt gói hỗ trợ Covid-19 để tránh 'quan đi lạc vào hộ cận nghèo'

13/06/2020 10:55 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề nghị với các gói hỗ trợ lên tới hơn 600.000 tỉ đồng, cần tăng cường thanh, kiểm tra để tránh tình trạng "bò đi lạc vào nhà quan", "quan đi lạc vào hộ cận nghèo".

Ngày 13.6, Quốc hội dành 1 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Vấn đề được tập trung thảo luận là các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế, ổn định đời sống sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.

Mất kiểm soát cung cầu đã đẩy giá thịt lợn lên cao

Đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, nêu vấn đề về việc giá thịt lợn vẫn còn cao và đề nghị Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, đưa ra gói hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại tái đàn lợn, tránh việc phải nhập khẩu khối lượng lớn thịt từ nước ngoài.
Cùng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Thường trực Ủy ban ban Quốc phòng An ninh, cho rằng việc mất kiểm soát cung cầu đã đẩy giá thịt lợn lên cao trong gần 1 năm qua, cùng với đó là sự lúng túng, thiếu nhất quán trong xuất khẩu gạo. "Tôi cho rằng, các bộ có chức năng giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước như Nông nghiệp, Công thương phải chịu trách nhiệm về việc này", bà Xuân nói.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho rằng, thời gian qua đã có sự lúng túng, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán trong điều hành xuất khẩu, nên khi giá gạo xuất khẩu cao thì trong nước lại dừng đột ngột, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu đoàn Quảng Trị đơn cử, chuyện 0 giờ ngày 11.4 Tổng cục Hải quan mở tờ khai hải quan xuất khẩu khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Ông Thắng đề nghị cần có chỉ đạo thống nhất, cần thiết thì lập ban chỉ đạo rà soát đánh giá cân đối cung cầu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Băn khoăn việc chưa tăng lương cho cán bộ, công chức

Về các giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ “hậu Covid-19”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức. Tuy vậy, đại biểu đoàn Đắk Lắk đánh giá, đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ vì về tâm lý đa số công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thực sự yên tâm về việc này.
“Lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng, làm giảm sức mua của người dân, thì việc giữ nguyên lương, thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương. Đồng thời, đa số công chức, viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn”, bà Xuân nói.
Theo nữ đại biểu này, giải pháp căn cơ thắt lưng buộc bụng trong tình hình hiện nay phải tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí và đầu tư công phải thực sự thiết thực có hiệu quả, đặc biệt là chúng ta phải chống thất thu, chống lạm phát trong thời gian tới.
Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) cũng nhất trí việc chưa tăng lương cho cán bộ, công chức từ 1.7 như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, nữ đại biểu này đề nghị thực hiện việc tăng lương theo kế hoạch cho cán bộ hưu trí, người có công để giảm bớt khó khăn sau dịch Covid-19 cho đối tượng này.
Đại biểu tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn sau dịch Covid-19, cần điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt một nửa so với kế hoạch là phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) thì ghi nhận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách trực tiếp, gián tiếp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế thông qua các chính an sinh xã hội, chính sách tài khóa và tiền tệ.
“Tới nay, ước tính tổng số biện pháp ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội sau dịch Covid-19 đã khoảng 600.000 tỉ. Do đó, đề nghị Chính phủ phải hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tránh tình trạng "bò đi lạc nhà quan", "quan đi lạc vào hộ cận nghèo" như báo chí nêu gần đây”, đại biểu đoàn Tiền Giang nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.