Giám sát công khai, tài liệu đóng dấu 'mật'!

31/05/2018 06:36 GMT+7

Trong cuộc giám sát của HĐND TP.HCM tại Sở Tài chính gần đây liên quan đến quản lý, sử dụng đất công, sở này đã gửi đến các đại biểu tham dự một bản báo cáo hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP, trọng tâm là tài nguyên đất do nhà nước trực tiếp quản lý, nhưng lại đóng dấu 'mật'.

Vì "mật" nên chỉ có các đại biểu HĐND TP, cán bộ của Sở tài chính mới được cung cấp tài liệu, còn các cơ quan báo chí, các sở ngành khác tham dự thì không.
Đáng nói là trước đó HĐND TP đã có thư mời các cơ quan báo chí cùng tham dự vì đây là cuộc giám sát công khai, một bên là đại diện cho nhân dân đi giám sát, còn một bên là các cơ quan truyền thông để phổ biến thông tin đó cho người dân được biết. Cũng cần nói thêm là suốt đợt giám sát về chuyên đề này chỉ có Sở Tài chính là tự đóng dấu “mật” và không cung cấp tài liệu cho các cơ quan báo chí, còn tất cả các sở ngành và UBND các quận, huyện đều công khai các thông tin.
Đất công, trong bối cảnh đang có rất nhiều nghi vấn thất thu ngân sách, là nơi phát sinh tiêu cực về đất đai trên địa bàn TP, cũng như cả nước. Kết quả thanh kiểm tra tại nhiều nơi cho thấy việc bán, cho thuê, bỏ hoang, quản lý lỏng lẻo, trục lợi ở đất công diễn ra phổ biến ở hầu hết các đơn vị quản lý đất công, tài sản nhà nước. Qua các đợt giám sát của HĐND TP cùng với sự tham dự của cơ quan báo chí đã góp phần chỉ ra không ít dự án, đất vàng đang bị sử dụng không đúng mục đích, bị bán rẻ hay bỏ hoang phí.
Lạm dụng quy định đóng dấu "mật"
Theo luật sư Nguyễn Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cái nào thuộc trường hợp quy định trong luật bảo vệ bí mật nhà nước mới được đóng dấu mật. Với trường hợp nói trên theo ông Đức, tùy theo tính chất cuộc họp, nếu đây là họp nội bộ thì tài liệu không được đưa ra ngoài. Còn nếu đây là cuộc họp giám sát của HĐND theo chương trình của kỳ họp hay kế hoạch giám sát đột xuất thì báo chí có thể tiếp cận thông tin mà không bị giới hạn.
Luật sư Nguyễn Vân Trường cũng cho rằng hiện nay có tình trạng các tổ chức nhà nước lạm dụng quy định về bảo mật để đóng dấu mật lên nhiều loại văn bản, báo cáo không thật sự cần thiết vì không thuộc bí mật nhà nước. Do đó cần làm rõ một số quy định về những danh mục bí mật nhà nước, tránh lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước để không công khai thông tin ra bên ngoài, nhất là những vấn đề dư luận, xã hội quan tâm. Liên quan đến trường hợp của Sở Tài chính, luật sư Trường khẳng định, HĐND TP là đại diện cho tiếng nói của cử tri, của người dân TP, đây là buổi làm việc công khai, minh bạch nên việc một báo cáo bình thường về đất sở hữu nhà nước mà đóng dấu mật là không phù hợp và không thật sự cần thiết.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hiện nay Sở Tài chính đang quản lý và sử dụng 5 địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, với tổng diện tích hơn 26.000 m2 đất, diện tích sử dụng hơn 19.000 m2. Trong đó khu đất tại Q.3 có diện tích 4.177 m2 hiện là trụ sở làm việc của Sở Tài chính và một phòng làm việc của Hội Kế toán TP, có 3 địa chỉ nhà đất ở Q.10, Q.Tân Phú và Q.Thủ Đức hiện đang làm kho tang vật. Một khu đất khác ở Q.3 hiện đang là trụ sở làm việc của Chi cục Tài chính doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Tài chính còn được giao quản lý tài sản của nhà nước, trong đó “nóng” nhất là các khu đất thuộc sở hữu nhà nước hay thường được gọi là đất 09 với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.
Ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết qua quá trình đi khảo sát thực tế thấy các khu đất công để trống rất nhiều, trong đó có những mặt bằng để trống từ những năm 1988 đến nay. Có nhiều mặt bằng ở ngay đường Đồng Khởi, Hàm Nghi bán chỉ định với giá quá rẻ, gây thất thoát ngân sách. Công ty quản lý và kinh doanh nhà TP quản lý rất nhiều mặt bằng nhưng lại liên tục báo lỗ, mấy chục năm không đem lại lợi nhuận.
Sở Tài chính nằm trong Hội đồng thẩm định giá đất TP, chuyên về xác định giá trị cụ thể của khu đất thuộc sở hữu nhà nước phù hợp với giá thị trường khi đem ra đấu giá, bán đất theo hình thức chỉ định, nên trách nhiệm là không nhỏ. Phải chăng vì thế mà Sở Tài chính đóng dấu mật trên tài liệu để tránh công khai những vi phạm ra bên ngoài?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.