Giám sát khó lắm sao?

07/12/2022 04:14 GMT+7

Phòng khám có yếu tố Trung Quốc liên tục bị phản ánh, bị phạt, nhưng rồi vẫn sai phạm. Tình trạng này kéo dài gần 20 năm qua, cơ quan quản lý không thể để tình trạng này thành căn bệnh trầm kha, lờn thuốc như vậy được.

Chiều 6.12, Sở Y tế TP.HCM thông tin về việc kiểm tra các phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền”. Qua đó, phát hiện 4 phòng khám đa khoa có đăng ký người nước ngoài hành nghề, gồm: Hoàn Cầu (Q.5), Âu Á (Q.6), Hồng Phong (Q.5), Thăng Long (Q.10) vi phạm về: không đủ dụng cụ để thực hiện các thủ thuật sản phụ; nhân sự khám chữa bệnh chưa đăng ký hành nghề; chẩn đoán, điều trị chưa đúng phác đồ Bộ Y tế; không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp; quảng cáo không đúng, quá chuyên môn...

20 năm trước, phòng khám Trung Quốc bắt đầu hoạt động tại VN, tập trung nhiều ở TP.HCM. Tên gọi khi đó là "phòng khám y học cổ truyền...". Đầu những năm 2000, Báo Thanh Niên có loạt bài điều tra về các phòng khám Trung Quốc, khi đó Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền bay vào TP.HCM họp khẩn với ngành y tế để chấn chỉnh...

Nhưng rồi sai phạm của các phòng khám này liên tục xảy ra, bị phản ánh, về sau họ đổi bảng hiệu thành "phòng khám đa khoa..."; hoặc thay đổi pháp nhân, người đứng tên, thuê bác sĩ VN đứng tên các chuyên khoa, nhưng thực chất "cốt cách" vẫn như cũ. Hành nghề, quảng cáo quá chức năng; "vẽ bệnh, moi tiền"... vẫn tiếp diễn.

Các phòng khám Trung Quốc sai phạm, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, những người hành nghề "chui" tháo áo blouse bỏ chạy; thuốc men, y cụ không rõ nguồn gốc... Cảnh đó đã quá quen với các đoàn kiểm tra. Một thực trạng bát nháo là nguy cơ cho sức khỏe người bệnh.

Trước đây, những phòng khám này vẽ bệnh để bán thuốc, thực phẩm chức năng, sau này họ vẽ bệnh kèm hù dọa để "bán" các thủ thuật, chủ yếu về nam khoa, phụ khoa, trĩ…

Không chỉ dùng "chiêu trò" để moi tiền người bệnh, họ còn dùng "chiêu trò" để đối phó các đoàn kiểm tra. Nhưng dù các phòng khám có yếu tố nước ngoài (đa phần là phòng khám do người Trung Quốc đầu tư) có thay đổi bề ngoài cỡ nào, nhà quản lý, người trong ngành không khó để nhận ra các phòng khám này.

Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh bổ sung luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), quy định rõ người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại VN phải thi chứng chỉ hành nghề; tăng nặng xử phạt để đủ sức răn đe. Nhưng trong khi chờ các quy định mới, cơ quan quản lý cần giám sát đặc biệt các phòng khám liên tục sai phạm này, công bố thông tin vi phạm rộng rãi để cảnh báo người bệnh, thậm chí rút giấy phép, cấm hành nghề, kể cả bác sĩ trong nước đứng tên nhận tiền tháng. Không thể để vấn nạn này tồn tại mãi thế được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.