Giám sát phải gắn được trách nhiệm, có địa chỉ cụ thể

12/04/2023 05:59 GMT+7

Ngày 11.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách y tế dự phòng, y tế cơ sở, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới.

Huy động trên 236.000 tỉ đồng chống dịch

Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (QH) Nguyễn Thúy Anh, Phó trưởng đoàn giám sát, cho biết từ 1.1.2020 - 31.12.2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236.000 tỉ đồng. Trong đó, số huy động từ nguồn ngân sách nhà nước là hơn 189.404 tỉ đồng, từ các nguồn khác là 47.048 tỉ đồng (viện trợ nước ngoài, các quỹ vắc xin Covid-19 T.Ư và địa phương…). Tổng số ngân sách nhà nước đã phân bổ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân là hơn 131,2 tỉ đồng. Phân bổ từ các nguồn viện trợ, quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của T.Ư, quỹ vắc xin của địa phương là hơn 33.450 tỉ đồng.

Giám sát phải gắn được trách nhiệm, có địa chỉ cụ thể  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Bên cạnh kết quả, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự. Việc tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện, thuốc, sinh phẩm, hóa chất được tài trợ thiếu thủ tục, hồ sơ, không xác định được giá trị tài sản dẫn đến không đủ cơ sở pháp lý trong việc xác nhận quyền sở hữu toàn dân, quản lý, theo dõi, hạch toán…

Từ đó, đoàn giám sát kiến nghị QH ban hành nghị quyết cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí đối với thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch dưới hình thức tạm ứng, vay, mượn; xác lập tài sản sở hữu toàn dân đối với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng từ ngày 1.1.2020 đến hết ngày 31.12.2022 thực tế đã tiếp nhận, sử dụng tại các cơ quan, đơn vị nhưng vì lý do khách quan không có đủ hồ sơ, tài liệu.

Về y tế dự phòng (YTDP), y tế cơ sở (YTCS), đoàn giám sát cũng kiến nghị QH giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiện toàn và ổn định tổ chức hệ thống YTCS, YTDP; có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ YTCS; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực YTCS, YTDP; bảo đảm chi thường xuyên, các hoạt động chuyên môn cho YTCS, YTDP…

Giám sát phải gắn được trách nhiệm

Cho ý kiến, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thông qua giám sát phải làm rõ thực trạng, đánh giá kết quả, tồn tại, yếu kém, phân tích nguyên nhân. "Giám sát phải gắn được trách nhiệm", Chủ tịch QH lưu ý. Về mục tiêu của cuộc giám sát, theo Chủ tịch QH, cần thông qua đánh giá kết quả huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch để thấy những bất cập của hệ thống YTCS, YTDP, từ đó đề ra biện pháp hoàn thiện hệ thống này.

Với huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch, Chủ tịch QH lưu ý phải đánh giá cả khâu huy động, quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán nguồn lực ngân sách và nguồn viện trợ. "Cần làm rõ hiện trạng thanh, quyết toán các nguồn ngoài ngân sách nhà nước tới nay thế nào? Hiện tại còn bao nhiêu chưa thanh, quyết toán được, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không?", Chủ tịch QH nêu, cho rằng đây là các vấn đề Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan kiểm tra Đảng đều đã làm, đoàn giám sát là nơi làm cuối cùng thì cần phải có thông tin tổng quát, cụ thể làm căn cứ cho các đề xuất.

Cho rằng báo cáo chưa có "địa chỉ cụ thể" tỉnh nào, bộ, ngành nào còn tồn tại hạn chế, Chủ tịch QH lưu ý cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. "Có 2 sai phạm rất lớn trong lĩnh vực này là vụ "chuyến bay giải cứu" và kit test Việt Á, chưa kể những việc khác, cũng thuộc phạm vi huy động nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19 nhưng báo cáo không nhắc gì đến 2 việc này cả. Đề nghị các đồng chí báo cáo thêm chỗ này", Chủ tịch QH lưu ý.

Với các kiến nghị dự kiến của đoàn giám sát nêu trong báo cáo, Chủ tịch QH đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu, báo cáo thêm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn của các kiến nghị như việc thanh, quyết toán chi phí phòng, chống dịch dưới hình thức tạm ứng, vay, mượn. "Tôi nói trình ra QH không ai dám bấm nút. Tôi là tôi không dám bấm nút chuyện này. Đây là mình hợp thức hóa sai phạm. Nên chăng là giao lại cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, các ngành xử lý theo thẩm quyền. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thường vụ QH, QH quyết định, chứ làm sao lại đề xuất như thế này", Chủ tịch QH nói.

Thanh, quyết toán "rất khó"

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết các tài sản tài trợ phòng, chống dịch chưa được xác lập sở hữu toàn dân là do thiếu các thủ tục, giấy tờ chứng minh, thiếu hóa đơn, chưa xác định giá trị tài sản… Về phía Chính phủ mặc dù đã có quy định cụ thể, tuy nhiên trong thời điểm đó một số doanh nghiệp, người dân có đóng góp tài sản nhưng thủ tục, giấy tờ sau này chưa được hoàn thiện nên vướng mắc. Còn với các trường hợp cho mượn, cho thuê hoặc cho sử dụng trước hóa chất, vật tư y tế, vấn đề là đến thời điểm hiện tại không có hợp đồng cho thuê, cho mượn, hoặc là doanh nghiệp, tổ chức cho thuê, cho mượn cũng không có nhu cầu nhận lại tài sản đó bằng hiện vật mà muốn nhận lại bằng tiền. "Nhưng bây giờ nhận lại bằng tiền thì tính bằng giá nào cũng đang vướng mắc", ông Hưng thông tin.

Xác nhận điều này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát, nói vấn đề thanh, quyết toán hiện "rất khó". Theo ông, việc xác lập sở hữu nhà nước đúng là có quy định hết nhưng quy định lại đòi hồ sơ. "Người ta đến người ta cho xong người ta đi, bây giờ tìm người ta cũng không thấy đâu mà bảo người ta hồ sơ đâu. Người ta bảo tôi cho các ông, các ông còn đòi gì tôi hồ sơ. Không có hồ sơ thì làm sao xác lập được", ông Định nói.

Với việc thanh, quyết toán các chi phí phòng, chống dịch dưới hình thức tạm ứng, vay, mượn, ông Định cho hay khi dịch xảy ra thì mượn kit test, thuốc, tức là vay dùng trước, hiện nay trả bằng kit test, thuốc thì không được, còn trả bằng tiền thì không biết lấy giá nào. "Vấn đề này thẩm quyền Chính phủ hay thẩm quyền các bộ? Hôm trước Bộ Tài chính nói lên, Chính phủ chịu không biết làm thế nào. Trước mắt, đoàn giám sát kiến nghị như thế nhưng sẽ tiếp tục nghiên cứu", ông Định nói và cho biết đoàn giám sát sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo và trình lãnh đạo QH, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến một lần nữa trước khi trình ra QH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.