Giám sát phải không thiên vị

27/05/2019 04:54 GMT+7

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị sẽ được Quốc hội thảo luận vào hôm nay, có lẽ đã thỏa mãn phần nào bức xúc của hơn 80% đại biểu Quốc hội (QH), những người đã bỏ phiếu đưa nội dung này vào chương trình giám sát hồi giữa năm 2018.

Nó chỉ ra 5 tồn tại trong chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất và vô số hệ lụy trong quá trình thực hiện những chính sách này.
Điển hình như tình trạng giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án phát triển đô thị chưa căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị; phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn chưa sát với nhu cầu, không phù hợp quy định, quy chuẩn xây dựng VN; điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của nhà đầu tư làm thay đổi lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích người dân, mà Hà Nội được nhắc đến như một điển hình, là phát hiện đáng kể của báo cáo giám sát.
Tuy nhiên, tình trạng thất thoát ngân sách nhà nước do không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư; chuyển mục đích sử dụng đất không đúng đối tượng... được nhắc đến nhưng khá mờ nhạt. Đặc biệt, tình trạng áp dụng phương pháp xác định giá đất khác nhau, khiến chênh lệch khá lớn về giá trị khu đất ở nhiều địa phương không được lý giải một cách rõ nét trong báo cáo giám sát cũng là điều đáng tiếc. Trong khi tình trạng “bán rẻ đất vàng”, thông qua chỉ định thầu, thông qua chuyển đổi mục đích sử dụng, điều chỉnh quy hoạch, thông qua cổ phần hóa, thoái vốn vòng vèo đã xảy ra quá nhức nhối ở hầu hết các thành phố lớn thời gian qua; thậm chí đó còn là căn nguyên của hàng loạt đại án.
Ngay trong một báo cáo kiểm toán được gửi đến QH tại kỳ họp này cũng cho thấy, năm 2018, chỉ kiểm tra tại 329 dự án sử dụng đất (trong hàng chục nghìn dự án), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỉ đồng, trong đó tăng thu cho ngân sách nhà nước 3.856 tỉ đồng. Điều đó để thấy rằng, thất thoát ngân sách từ sử dụng đất đai, quy hoạch hiện rất nghiêm trọng.
Chưa hết, báo cáo khẳng định, chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở các đô thị đã được ban hành “tương đối” đầy đủ; nhưng 2 nguyên nhân chủ quan và 5 nguyên nhân khách quan được chỉ ra trong báo cáo thì hoàn toàn không đủ để lý giải tại sao việc vi phạm pháp luật đất đai lại tràn lan, nghiêm trọng như đã thấy trong thời gian qua. Quy định đã đủ, chính sách đã nghiêm, vậy lý do tại sao sai phạm, thất thoát lại quá lớn như thế? Đoàn giám sát lý giải thế nào về chuyện Hà Nội điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, nâng tầng cao trung bình từ 20,33 tầng lên 40 tầng tại một số ô đất thuộc khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (dẫn báo cáo giám sát)?
Mục tiêu của giám sát ở QH là để pháp luật phải được thực thi một cách công bằng, bình đẳng và tuân thủ những nguyên tắc, thủ tục đề ra, nên cơ quan giám sát phải trung lập và không thiên vị. Nếu có né tránh, có đặc quyền thì nạn tham nhũng sẽ còn có cơ hội hoành hành. Không đúng vậy sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.