Đây là dự án hết sức thiết thực và có ý nghĩa trong bối cảnh mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang áp dụng "số hóa" công tác quản lý và bảo vệ rừng; bảo vệ sự đang dạng của hệ sinh thái rừng đối với một tỉnh có diện tích rừng khá lớn như Bình Thuận.
Hiện nay, diện tích đất có rừng của Bình Thuận là 342.127,58 ha/ 794.258,8 ha diện tích tự nhiên của tỉnh.
Trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm 296.915,47 ha, còn lại là rừng trồng. Rừng phân bổ đều ở các huyện, nhưng nhiều nhất vẫn là H.Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Tuy Phong.
Thảm thực vật rừng tự nhiên của tỉnh khá đa dạng và phong phú với gần 200 loài thực vật, 50 loài gỗ quý hiếm còn lại khá nhiều ở các khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Khu bảo tồn Tà Kóu cùng hàng chục loài chim thú, bò sát quý hiếm mà Viện Sinh học Nhiệt đới đã phát hiện từ nhiều năm qua tại các khu rừng khác ở Bình Thuận.
Đổi mới công nghệ giám sát để bảo vệ rừng hiệu quả hơn
Trước nhiệm vụ quan trọng của việc bảo vệ rừng và bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái, nguồn gien quý hiếm, trong bối cảnh nguồn nhân lực bảo vệ rừng ngày càng thiếu, Sở NN - PTNT Bình Thuận đã tham mưu cho UBND tỉnh đổi mới các hoạt động giám sát, bảo vệ rừng.
Theo đó, cơ quan tham mưu đã chọn Dự án "Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng" trên địa bàn. Đây là một dự án được đánh giá là tiết kiệm kinh phí và giảm nguồn nhân lực cho tỉnh. Theo đó, để đổi mới công nghệ bảo vệ rừng tốt hơn, Sở NN- PTNT đã chọn công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh giúp cho cơ quan bảo vệ rừng về thực trạng nguồn tài nguyên rừng nhanh chóng và chính xác; từ đó đề ra các giải pháp tối ưu trong chỉ đạo, quản lý và giám sát các biến động về tài nguyên rừng, đất rừng và phòng chống cháy rừng một cách hiệu quả.
Theo đánh giá kết quả, kể từ năm 2021, hệ thống phần mềm tự động giải đoán ảnh vệ tinh sẽ phát hiện được điểm mất rừng, mỗi tháng 2 lần và tự động gửi thông tin, cảnh báo mất rừng tới cơ quan bảo vệ rừng.
Thực tế cho thấy khi phần mềm phát hiện các điểm cảnh báo, khi đi xác minh ngoài hiện trường cơ bản phù hợp với nội dung cảnh báo của phần mềm. Qua hơn 2 năm thực hiện, bước đầu có thể đánh giá độ chính xác trong phát hiện mất rừng của phần mềm là tốt; đáp ứng được yêu cầu của lực lượng kiểm lâm và đặc thù về kiểu rừng tại tỉnh Bình Thuận hiện nay.
Bình luận (0)